Chuyện Bánh Chưng

Năm nào mình cũng gói bánh Chưng, nó như một nghi thức không thể thiếu cho Tết vậy. Năm nay, thời gian nghỉ khá là thư thả, mình gói bánh vào ngày 28 tháng Chạp. Sáng dậy từ lúc tinh mơ, khẽ khàng ăn sáng nhè nhẹ, pha một cốc cafe nóng và ngồi uống một mình trong bếp. Hôm nay có nhiều việc phải làm, và việc quan trọng nhất là gói bánh Chưng. Đậu xanh đã ngâm mềm từ tối qua, giờ là lúc vo đãi cho sạch, trộn thêm muối cho đằm vị, để vào chiếc thố to. Gạo nếp để gói bánh chưng đã lựa được loại ưng ý, không cần ngâm trước, mà chỉ vo kỹ rồi gói luôn. 6kg gạo nên mình vo từng mẻ nhỏ. Gạo vo xong thì trộn muối tinh để đó.

Chuẩn bị gạo và đậu xong thì trời tảng sáng, lúc này chợ đã họp nên mình xuống chợ mua thịt. Thịt lợn vừa xẻ, còn nóng ấm, chọn mua miếng ba chỉ thật ưng dành gói bánh mình cũng phải mua hai hàng mới đủ vì mỗi hàng chỉ cắt được 1 đoạn vừa ý.

Thịt lợn về rửa sạch thái miếng to và dày. Ướp bột canh và tiêu xay rối. Xong đâu đó tất cả thì trẻ con cũng dậy. Bọn chúng thấy mẹ bày biện các thứ để gói bánh thì vui thích lắm, làm vệ sinh cá nhân và ăn sáng thật nhanh để được gói bánh cùng mẹ.

Này là lá dong xanh thẫm, bó lạt mềm trắng phau. Này là gạo nếp thơm này là đậu xanh bùi, thịt lợn béo, hạt tiêu thơm. Những thức giản dị ấy sẽ làm thành chiếc bánh màu xanh vuông vắn cho Tết.

Mọi thứ đã sẵn sàng, còn thêm cả lọ hoa cho đẹp nữa

Năm nay, bạn Cún nhà mình được học làm bánh Chưng, bạn rất thích thú và đòi được tự làm từ đầu đến cuối. Vì gói bánh chưng bằng khuôn thông minh rất dễ nên bạn đã hoàn thành những chiếc bánh Chưng đầu tiên không mấy khó khăn

Vừa gói bánh, mẹ vừa kể cho bạn nghe, ngày xưa 10 tuổi – bằng bạn bây giờ, mẹ cũng lần đầu tiên gói bánh, và đến năm 13 tuổi thì mẹ đã đi gói cho cả nhà hàng xóm. Hình như bố mẹ nào cũng bị bệnh kể thành tích ngày xưa của mình thì phải.

Chiếc bánh hoàn thành, nhìn nó thật đẹp phải không?

Chỉ vài nguyên liệu đơn giản, nhưng ai cũng bảo làm được cái bánh Chưng chả dễ dàng gì. Hihi, ừ đúng là cũng mất thời gian đó chứ không phải tự nhiên mà có. Nhưng những lúc cùng nhau chuẩn bị cho Tết sẽ là cơ hội để cả nhà gắn kết với nhau hơn.

Rồi cuối cùng những chiếc bánh vuông vức đã được gói xong, chúng được xếp chặt chẽ vào chiếc nồi to mà dưới đáy đã lót một lượt cuống lá dong cho bánh khỏi sát đáy

Và giờ thì phải cắt cử nhau trông nom cái bếp cho nghiêm túc, 12 tiếng sau sẽ có bánh ăn.

Hồi nhỏ, mỗi khi trông nồi bánh Chưng là thể nào cũng có củ khoai vùi vào trấu, trẻ con nhanh chán nên trông bếp 1 lúc thôi lại chạy chơi, thỉnh thoảng có ngó vào gảy trấu hay đủn củi cũng chủ yếu là để thăm xem khoai đã chín chưa còn ăn. Vậy mà cũng mấy chục năm trôi qua. Tự nhiên nhớ bà nội ngày xưa ngồi trông nồi bánh cái dáng còng còng, từng động tác của bà rất chậm chạp, thời gian như ngưng đọng lại không trôi nữa ấy rồi bà cũng đi xa về nơi cõi hạc. Con cháu giờ lại gói bánh và nhớ bà mỗi khi Tết đến. Rồi sau này, sẽ có thế hệ sau chúng nó nhớ tới mình như mình nhớ tới bà vậy.

Tự nhiên viết đến đây lại sụt sịt.

Thôi, mình nói sang chuyện khác nhé.

Chuyện cỗ

Cỗ Tết – vẫn luôn là đề tài tranh cãi của nhiều người, nhất là giữa thế hệ trẻ – và thế hệ không còn trẻ. Người cho rằng, cỗ Tết theo truyền thống là quá cầu kì, câu nệ, là gánh nặng cho người phải chuẩn bị, rồi với tư tưởng trọng nam khinh nữ còn ăn sâu thì phụ nữ là người vất vả nhất khi phải đảm đương khối lượng công việc quá lớn cho Tết, đặc biệt là mâm cỗ Tết.

Bên còn lại, theo hướng ủng hộ truyền thống thì nói rằng, tụi trẻ bây giờ chúng nó “mất gốc”, chúng nó hối hả hội nhập, chúng nó hắt hủi những giá trị truyền thống và bi quan về tương lai của những thứ đã lưu giữ nhiều đời như là cỗ Tết.

Mình thì theo chủ nghĩa lạc quan. Mình thấy mỗi một thời điểm, nhân sinh quan của con người ta sẽ thay đổi. Hồi trẻ mình cũng thấy cỗ Tết không có gì ngon mà làm mất công mất sức, mình muốn nhanh gọn nhẹ để Tết chỉ nghỉ ngơi thôi. Nhưng càng về sau này, mình lại thấy truyền thống có cái hay của nó, mình đã có thể làm những món mà trước nay mình từng “kỳ thị” ví dụ như món canh bóng. Bóng (hay còn gọi là bóng bì) là món khá cầu kì, chế biến mất nhiều thời gian nên nhiều năm mình không làm. Tết này, tự nhiên hình ảnh cái gác bếp đầy bồ hóng ngày xửa ngày xưa cứ hiện ra trong tâm trí, cái gác bếp ấy, mỗi độ giáp Tết là sẽ có vài tảng bóng được xâu lạt treo lên lủng lẳng, màu vàng nhạt của bóng nổi bật trên cái nền bồ hóng đen nâu luôn là hình ảnh gợi nhớ đến những cái Tết thuở bà nội mình còn sống.

Canh bóng chỉ lâu ở khâu tẩy bóng, làm sao cho bóng mềm và sạch hết mùi hôi. Bóng sau khi ngâm mềm sẽ được tẩy bằng rượu gừng nhiều lượt rồi thái miếng quả trám. Nước luộc gà thả thêm vài thức rau củ  màu sắc vui mắt, vài cánh nấm hương ngâm mềm và mấy viên mọc giò nữa là được bát canh  thơm nhẹ, nước dùng trong veo thanh mát mà vẫn ngọt sâu.

Hình ảnh trong bài là mâm cỗ cúng ông Táo hôm 23 tháng Chạp nhà mình. Ngoài món gà, canh bóng và món xào ra, thì thêm giò lụa và bánh chưng mua sẵn. Mình nghĩ, mâm cỗ cúng, cốt ở sự thành tâm, chứ không nên câu nệ phải nhiều món như các cụ răn dậy: 6 đĩa, 3 bát hay ít cũng phải 4 đĩa 2 bát. Đĩa: chỉ các món khô như gà luộc, giò, nem, nộm, xào…. Bát: chỉ các món nước: canh bóng, canh măng, canh mọc, gà tần, chân giò hầm…

Cuộc sống hiện đại, ngoài việc giữ gìn truyền thống, thì việc ứng xử linh hoạt với điều kiện thực tế cũng là một việc rất nên làm, mọi thứ cứ thuận theo tự nhiên, mỗi tuổi sẽ có cách hưởng Tết theo như mình muốn. Tuổi trẻ có thể thích ăn Tết với gà rán hay uống trà sữa thay vì các thức ăn truyền thống, nhưng chúng nó sẽ nhìn, sẽ cảm nhận và ghi nhớ cái Tết của những người lớn tuổi trong gia đình. Rồi đến lúc nào đó, các bạn trẻ ấy sẽ lại trở thành những người giữ gìn và tiếp tục truyền thống, mình tin thế.

Chuyện hoa và khay bánh trà

Ở miền Bắc, lọ hoa đặc trưng của Tết là hoa violet và thược dược, đi ngoài đường những ngày đầu tháng Chạp, thấy xe hoa chở theo màu tím và đỏ của hai loài hoa này là thấy không khí Tết rồi, mà chẳng hiểu sao những lúc ấy mình cứ thấy nao nao khó tả. Càng gần Tết người ta lại càng hay nhớ về những cái Tết xưa, hoài niệm những ngày tháng cũ. Mà lạ, cả năm ít khi nhớ tới, vậy mà Tết đến thì lại nhớ.

Ngoài violet, thược dược thì hoa dơn cũng là một loài hoa của Tết miền Bắc, nhưng năm nay, thời tiết không thuận, nắng nóng khiến hoa nở sớm và kém tươi, nên mình không chưng hoa dơn như năm ngoái.

Năm nay, mình tiếp khách với hoa và khay bánh mứt như này:

Khay đồ ngọt để tiếp khách nhà mình, năm nào cũng chỉ có mấy món đơn giản đại trà thôi không có gì đặc sắc. Chỉ là mình thích sắp đặt cho chỉn chu vừa mắt. Cũng muốn khách khứa cảm thấy sự trân trọng của gia đình.

Mấy năm trước, mình mua một bộ 4 hũ sứ nho nhỏ mà sau bị vỡ mất 1 chiếc còn ba. Năm nay nghía thấy hộp gỗ tên “bánh Chưng” trong Uma vừa mắt nên mình sắm thêm 3 chiếc nữa ghép với bộ cũ nhìn cũng tạm được, không đến nỗi cọc cạch mấy nhỉ.

Khay bánh mứt ngày xưa của các cụ thường hình tròn và chia nhiều ô. Mình thích kiểu này cho dễ quản lý, không bị lẫn đồ và bổ sung từng món cho tiện.. Nhưng biết đâu, vài năm nữa mình lại thích khay tròn kiểu các cụ cũng không biết chừng.

Ngoài mấy thứ bánh, hạt mua sẵn, năm nào mình cũng cố gắng làm một món nào đó để tiếp khách, năm nào chăm chỉ thì 2-3 món, mà mấy năm gần đây mình lười hơn rồi, các loại mứt là thôi không làm gì nữa hết, chỉ có cookies là nhanh lại tiện nên mình làm.

Năm nay, chiều 30 Tết mình trộn mẻ cookie vừng – hạnh nhân. Để bột trong tủ lạnh, các thủ tục giao thừa xong mình mới đem ra nặn viên và nướng, mà mình cũng mới nướng hết một phần bột thôi. Phần còn lại, mình cất ngăn đá để dành, khi nào hết bánh lại nướng mẻ mới cho ngon.

Thực ra, ngày Tết nhà nào cũng kẹo bánh ê hề và thường bị ế. Nhưng có chiếc bánh nhà làm cái là ai cũng phải “vì nể mà ăn”  rồi thì cũng thêm được dăm ba câu chuyện quanh cái bánh.

Như tối qua, có anh bạn chồng mình đến chúc Tết, mình mời ăn 1 chiếc rồi xin thêm chiếc nữa, lại hỏi có làm bán ko để đặt mua. Đấy, thế là có chuyện để nói cũng đỡ được mấy khúc thời gian chết khi không muốn hỏi mấy chuyện riêng tư. Ngày Tết, mình rất ngại khi bị hỏi những câu “truyền thống” như kiểu: thưởng Tết nhiều không? khi nào đẻ thêm đứa nữa? Mình cũng không bao giờ hỏi người khác như vậy, nhưng nhiều khi, khách đến nhà, lại phải những người mình không quen thân cho lắm, thành ra câu chuyện có lúc rơi tõm vào hư không khi hai bên không biết nói gì cho phải. Ấy là lúc thích hợp để mở cái lọ cookies ra, giới thiệu đây bánh em làm, nướng xong đúng 3h sáng mùng 1 luôn đó, anh/chị ăn thử xem có được không? Ấy thế là tự nhiên có một chủ đề được khơi gợi và câu chuyện trở nên có sức gắn kết thần kỳ 

Chẳng gì thì gì, anh bạn chồng mình hôm qua cũng ngồi chơi lâu hơn hẳn mọi năm, vì ảnh thậm chí còn hỏi mình công thức bánh rồi nói thêm về việc sử dụng hương liệu/phụ gia trong sản xuất thực phẩm công nghiệp, chứ mọi năm nói dăm ba câu là ảnh cáo bận đi về thôi à.

Sẵn đà câu chuyện, thấy khách đã ăn hết chiếc đầu tiên, lại mở lọ mời anh/chị dùng thêm chiếc nữa, rồi thì ban đầu khách đề nghị cho cốc nước lọc thôi cho tiện, nhưng vì có bánh quy nên mình pha thêm cốc trà với lý do ăn bánh uống trà mới hợp, mà cũng chỉ là trà túi lọc thôi chứ có gì phức tạp đâu. Vậy là lại ừ và câu chuyện Tết cứ thế trở nên gần gũi và thân mật và cái gì ế thì ế chứ cookie là hết veo cả lọ.

Có đôi khi, mình để mọi thứ diễn ra quá nhanh, chưa kịp hiểu gì thì đã kết thúc – những câu chuyện Tết thường rơi vào tình trạng đó. Mà Tết – là một dịp thật đặc biệt, có những người mỗi năm mình chỉ gặp một lần vào Tết, có khi cùng người đó phải mấy năm mình mới có thể ghi được vào trí nhớ, nên cũng dễ hiểu chuyện làm dâu 10 năm chưa biết hết họ hàng, vì mình đâu có đủ thời gian để tiếp nhận thông tin và cảm nhận một vài điều gì đó.

Bởi vậy, những câu chuyện Tết, muốn đủ thân mật mà không xuồng xã thì người nói chuyện trước tiên phải chân thành, rồi thì nếu thêm được những chủ đề đủ hợp thì ít ra cũng có thể khiến nó không trở nên cụt lụt hay sa vào lối mòn nhàm chán. Dù không thể làm cho người ta hiểu hết về nhau qua những câu chuyện – mỗi năm một lần nhưng cũng đủ để xiết thêm một chút sự thân tình, bạn nhỉ.

Còn bạn thì sao? Câu chuyện Tết của bạn có thú vị không?

PS: Ôi, đọc lại mình thấy bài dài quá! Hy vọng mọi người đọc không mệt.