Ở tuổi ngoài 40, dạo gần đây mình hay va phải các bài báo đại loại “mất việc ở tuổi 40”, “nhân sự U40 vật lộn trong thị trường lao động”, “tôi không thể kiếm được việc làm sau khi cơ quan cắt giảm biên chế”, “AI sẽ thay thế 80% lao động ngành X”, “Nhiều ngành nghề sẽ biến mất do sự phát triển của AI” v.v…

Chưa có lúc nào mình thấy làn sóng tuyển dụng, tìm kiếm công việc ở tuổi 30-40 dồn dập, gập gềnh như lúc này. Ở tuổi này, hầu hết nhân sự đã có gia đình, trách nhiệm lo cho gia đình rất lớn cả về kinh tế lẫn thời gian. Họ cũng không còn ở độ tuổi “máu lửa” để mà có thể chạy tiến độ thâu đêm suốt sáng. Ngay như bản thân mình, hồi chưa chồng con gì, có thể thức xuyên đêm, một ngày ngủ rất ít trong một khoảng thời gian dài vẫn cảm thấy ổn, nhưng bây giờ chỉ cần một vài ngày thiếu ngủ là thấy cơ thể rệu rã mệt mỏi, không có sức để làm việc. Vậy từ giờ tới lúc nghỉ hưu, (còn tận mười mấy năm nữa) những người ở tuổi mình sẽ cạnh tranh thế nào với thế hệ lao động mới. So sánh một nhân sự trẻ, có sức khỏe, có tinh thần chiến đấu, mức lương lại không quá cao với một nhân sự thâm niên 10-20 năm, sức khỏe thể chất lẫn tinh thần đều không bằng mà mức lương lại cao hơn nhiều so với nhân sự trẻ thì người sử dụng lao động sẽ nghiêng về phía nào hơn?! Thậm chí ngay sếp mình còn phát biểu “lương trả cho người thâm niên 15 năm đủ để trả cho 5-6 sv với ra trường và 3-4 nhân sự kinh nghiệm 2 năm. Mà bài toán của doanh nghiệp luôn là: giá trị bạn mang lại phải nhiều hơn giá trị bạn được trả lương. Thế cho nên, nhân sự tuổi trung niên ngày càng lo lắng trước nguy cơ bị thay thế. Mặc dù bản thân mình chưa rơi vào hoàn cảnh đó, trong vòng tròn bạn bè, người quen thân của mình cũng rất ít (chỉ 1-2) người nhảy việc hay khởi nghiệp ở thời điểm này. Có lẽ đặc thù ngành nghề của mình ổn định hơn so với các ngành nghề khác trong xã hội và chưa dễ dàng bị thay thế. Tuy vậy, mình cũng luôn tự đặt tình huống, nếu mình mất việc thì mình sẽ làm gì?

Mình từng liệt kê những việc mình có thể làm nếu như thất nghiệp:

  • Mở một tiệm bánh online, chăm chỉ thì chắc cũng đủ sống
  • Xin làm nhân viên bán hoa của Dalathasfarm, mặc dù họ tuyển vị trí này yêu cầu độ tuổi từ 18-35 mình đã bị quá rồi nhưng mà đây là công việc mà mình rất muốn được làm nếu có cơ hội, nếu không phải là Dalathasfarm thì mình cũng chưa biết có thể làm thuê cho ai trong lĩnh vực này.
  • Thiết kế thi công các công trình phù hợp.
  • Nhận các dự án chụp ảnh liên quan ẩm thực.

Đọc lại thì thấy các công việc mà mình “định” làm nếu thất nghiệp thì thấy đều là dạng làm công ăn lương (tiệm bánh online thì mình chủ shop kiêm nhân viên) có lẽ do tính cách của mình vậy, rất sợ rủi ro và cũng rất sợ phải chịu trách nhiệm về công ăn việc làm cho người khác. Nếu cho mình lựa chọn làm giám đốc hay làm nhân viên thì chắc chắn mình sẽ chọn làm nhân viên. Mình thực sự không có kĩ năng gánh vác một tổ chức. Vậy thì xác định luôn mình sẽ đi làm thuê đến già. Mà đã đi làm thuê thì khả năng mình bị thay thế là hoàn toàn có thực. Đâu có ai không thể thay thế đâu. Vậy làm thế nào để mình trở thành một mắt xích khó thay thế nhỉ. Tự ngẫm thì có lẽ ưu thế của mình khi so với nhân sự trẻ chính là kinh nghiệm và tâm lý bình tĩnh khi giải quyết các tình huống. Trong ngành xây dựng thì yếu tố kinh nghiệm khá quan trọng, nó được tích lũy qua thời gian và qua số lượng công trình. Mỗi công trình được xây, lại có một số kinh nghiệm được tích lũy cũng như vô số các bài học phải trả học phí bằng tiền bạc, thời gian, sức khỏe, vốn liếng này không thể có ngay khi mới ra trường, cũng không thể 1-2 năm mà bồi đắp đủ. Mình cũng sẽ tới lúc không đủ sức khỏe để leo giàn giáo, khi đó chắc mình sẽ làm công tác cố vấn cho tụi trẻ nếu chúng cần.

Nhưng dù thế nào thì mình vẫn sẽ làm việc thôi. Cách đây cỡ chục năm, mình cho rằng nếu không phải đi làm, chỉ ở nhà suốt thì mình sẽ sung sướng lắm. Nhưng bây giờ ở nhà nhiều là mình thấy hơi vô tích sự. Việc cảm thấy mình có giá trị rất có ý nghĩa với lứa tuổi trung niên trở về già. Cảm thấy mình có ý nghĩa, được cần tới (có thể là xã hội cần mình hay con cháu cần mình) đều là niềm vui cho nửa đời sau của mỗi chúng ta. Khi bước sang bên kia sườn dốc của cuộc đời, điều làm chúng ta buồn có lẽ là việc không ai cần tới mình chứ không phải là vì chúng ta không có sổ tiết kiệm 9 con số hay bất động sản vài nơi. Làm việc, lao động chính là cách chúng ta tạo ra giá trị, nên mình nghĩ nếu mình đủ sức khỏe thì mình vẫn sẽ làm việc dù là đã nghỉ hưu hay chưa.

Hiện giờ, mình có hai công việc: làm giáo viên dạy trường nghề công lập và làm tư vấn kiến trúc xây dựng ở công ty tư nhân. Hai môi trường làm việc có nhiều mặt đối lập nhau, nhưng cũng lại bổ trợ cho nhau khá tốt, giống như hai mảnh ghép ăn khớp vậy, cái này hỗ trợ cái kia. Mình cảm thấy khá may mắn khi có thể có được cả 2 công việc như vậy nên nếu không có đột biến gì quá lớn, mình sẽ duy trì cho tới lúc đủ tuổi cầm sổ hưu.

Dạo này mình hay phải đi dạy xa, một tuần có 1-2 buổi đi dạy tại các điểm liên kết của trường. Mình di chuyển bằng xe bus, tàu điện, tới đoạn nào không có bus đi qua thì mình đi tiếp bằng xe ôm. Có hôm thì mình đi xe máy. Quãng đường đi dạy của mình dài từ 30km-50km tùy địa điểm.

Mọi người thấy mình đi lại xa xôi vậy thì ái ngại, nghĩ mình vất vả. Quả đúng là những buổi đi dạy xa về đến nhà mình cạn pin thật. Nhưng công việc mà, đâu phải thứ mà mình thích thì làm, không thích thì nghỉ. Mình cũng đủ trưởng thành để hiểu rằng, cái gì cũng có giá của nó. Trừ hai buổi đi dạy xa, thời gian còn lại mình hoàn toàn chủ động sắp xếp bố trí. Ngoài thời gian đi dạy hay họp hành ở trường, mình lại hòa vào nhịp sống công sở, công trường. Không gian làm việc của mình ngoài lớp học thì có thể là văn phòng cty-trong một co-working space, cũng có thể là một góc quán cafe với cái máy tính xách tay, cũng có thể là công trường bụi bặm nắng gió. Bên cạnh đó, mình vẫn có thể chủ động việc gia đình, nhà cửa, tận hưởng những thú vui nho nhỏ của bản thân.

Hồi bạn Cún học lớp 3, một hôm bạn đi học về kể chuyện cô giáo bảo các con phải học thật giỏi để sau này không phải làm những công việc vất vả. Bạn bảo bây giờ ai mà đi làm mấy nghề vất vả ấy là ngày xưa học dốt. Mình hỏi thế con thấy bố mẹ có vất vả không? Bạn trả lời CÓ làm bố mẹ cứ gọi là ngã ngửa! Ô thế ra trong mắt con mình thì mình đi làm vất vả à, vậy nó lại đánh giá mình ngày xưa học dốt hay gì. Thực ra nếu ngày xưa bố mẹ có học dốt thật thì cũng chẳng có gì đáng xấu hổ, miễn là bây giờ làm công việc lương thiện, nuôi sống bản thân gia đình là được rồi. Nhưng trường hợp này cần phải định nghĩa lại một chút về khái niệm vất vả cho bạn Cún. Mình nói với con hồi nhỏ bố mẹ không học dốt đâu. Nếu giờ con thấy bố mẹ làm việc vất vả vì bố đi sớm về muộn, thậm chí ngày nghỉ ngày lễ còn phải đi trực, mẹ buổi đêm vẫn chong đèn làm việc, hay là mẹ phải đi dạy xa, đi công trường bụi bặm ồn ào, nắng mưa… tất cả những thứ đó bố mẹ đều không coi là vất vả. Vất vả chỉ là khi, ta không tìm được niềm vui hay ý nghĩa trong những việc ta làm mà thôi. Bạn Cún nghe xong thì hỏi, thế sau này con làm nghề gì cũng được à mẹ, miễn là con thấy vui. Mình bảo ừ, miễn con thấy vui, tự trang trải cho cuộc sống của con không phải dựa dẫm phụ thuộc là được.

Ấy là hồi bạn 9 tuổi học lớp 3, thì mẹ cứ mạnh dạn “miễn con thấy vui” chứ giờ bạn đã học cấp 3 thì câu chuyện sau này làm nghề gì của bạn trở nên phức tạp hơn nhiều rồi. Nhất là trong bối cảnh công nghệ thay đổi nhanh như vũ bão hiện nay thì bố mẹ còn đau đầu bạc tóc nhiều để định hướng ngành nghề cho con. Mục tiêu cuối cùng vẫn là để con có thể tự lao động kiếm tiền lương thiện nuôi sống bản thân và để con không quá vất vả theo định nghĩa của gia đình.

Tự nhiên ngẫm ngợi linh tinh nên viết lại đôi dòng về suy nghĩ của mình về công việc, nghề nghiệp không đầu không cuối. Tương lai ra sao thì còn chưa biết, thế giới rộng lớn và thay đổi nhanh chóng, mình cũng chỉ là hạt cát mà thôi. Mình sẽ cố gắng để làm một hạt cát an nhiên.