Khi học lớp 5, lần đầu tiên tôi được mẹ cho đi hái rau muống cùng. Đấy là do tôi xin xỏ mới được, chứ không phải là mẹ bắt đi. Sau lần đầu tiên xin xỏ đầy hào hứng ấy, tôi bắt đầu bớt thích dần, nhưng vì tay nghề hái rau đã qua đào tạo nên tôi lại thường xuyên bị trưng dụng cho cái công việc có phần buồn tẻ này.
Vào tối hôm trước, mẹ sẽ chuẩn bị sẵn mọi thứ cần thiết, xếp vào đôi quang gánh để sáng hôm sau chỉ việc gánh đi thôi. Những thứ cần thiết đó là mấy cái ghế con để ngồi hái cho đỡ mỏi chân và một bó lạt giang (là lạt bà tôi chẻ từ ống giang mua ở chợ về).
Tôi thì chỉ việc đi ngủ cho sớm, mẹ sẽ đánh thức tôi vào lúc 4h.
***
4h sáng, mẹ gọi, tôi lồm cồm bò dậy, mắt vẫn nhắm, chưa mở ra ngay được vì còn buồn ngủ lắm. Sau mấy công việc vệ sinh cá nhân, tôi thất thểu theo chân bà, bố, mẹ đi hái rau. Vừa đi vừa ngủ gật. Trời đất vẫn còn tối om om. Ngày đó, chẳng có đèn đường như bây giờ. Hôm nào có trăng thì trăng, có sao thì sao. Con đường ấy, đi mãi thành quen, quen từng chỗ ghồ ghề, xói lở, chỗ nào là vũng nước, chỗ nào là gạch vỡ, tôi cứ bước thấp bước cao trong trạng thái nửa tỉnh nửa ngủ mà chưa bao giờ bị vấp ngã.
Từ nhà tôi ra đến ruộng rau khoảng 1km. Có một đoạn đi bên bờ mương, ban ngày rất đẹp, một bên bờ là đường đi, một bên trồng toàn nhãn, nhìn mát cả mắt. Nhưng vào lúc tối trời tôi rất sợ đi qua đoạn ấy. Cứ nhìn những cây nhãn là tôi lại tưởng tượng ra đủ thứ ma quái. Tôi sợ nhất một cái cây có hình đầu lâu, vòm lá của nó bị thủng một khe, giống y như con mắt. Ban ngày đi qua, tôi đã nhìn rất kĩ, không có cây nào như thế. Cứ như thể cái đầu ấy chỉ xuất hiện lúc trời tối. Tôi càng thấy sợ hơn. Lần nào đi đến đoạn mương đó, tôi cũng gồng cứng hết cả người, mím chặt môi vô cùng căng thẳng còn cơn buồn ngủ thì tan đi nhanh chóng, tôi cố rảo bước thật nhanh để đi xen vào giữa hàng. Tôi chỉ sợ nếu tôi đi cuối hàng sẽ bị thứ gì đó ma quái bắt đi mất.
***
Đi thật nhanh qua dãy nhãn đó là đến cánh đồng. Sau một khúc quanh thì cảnh tượng mở ra trước mắt thật đẹp vô cùng. Có hàng trăm cái đèn của người hái rau muống đêm thắp như sao sa. Cứ như là bầu trời có bao nhiêu vì sao thì đều đổ hết xuống cánh đồng vậy.

Những người hái rau ấy, có khi họ đi từ 2h sáng, nên phải đem theo đèn. Nhà tôi thì không dùng đến đèn thường xuyên, vì không đi hái sớm như mọi người. Thỉnh thoảng, vào mùa đông, trời lâu sáng bà tôi sẽ mượn bà hàng xóm một cái đèn hái rau muống. Đó là một loại đèn đặc chủng! Được làm từ một cái lon bia, hay một vỏ hộp sữa Ông Thọ, buộc vào một cái que tre dài chừng mét hai, một đầu cái que ấy vót nhọn và hơ qua lửa để cắm xuống đất. Người ta đổ đầy dầu hoả vào trong ống bơ, thả một sợi bấc vào, kẹp đầu bấc ở miệng lon. Thế là xong một cái đèn hái rau muống. Khi sử dụng, người ta cắm cái que xuống đất, châm lửa vào bấc, vậy là một đốm sáng được thắp lên. Hái hết chòm rau, người ta lại nhổ đèn lên, đi thêm mấy bước, cắm đèn xuống và hái tiếp. Những đốm sáng lung lay theo gió và di chuyển chuyển từ chỗ này sang chỗ kia mỗi khi bị nhổ lên, khiến cho cảnh tượng trước mắt tôi thật vĩ diệu vô cùng.

Đến khi trời tang tảng sáng, những đốm sáng bắt đầu biến mất, giống y như sự biến mất của những vì sao trên trời mỗi buổi sớm mai, ấy là người hái rau tắt đèn đi để tiết kiệm dầu hoả, hoặc hôm nào trăng sáng thì cánh đồng cũng ít đèn hẳn đi.

***
Cuối cùng thì cũng ra đến ruộng. Một cái ô hình chữ nhật, một chiều khoảng 5 mét, chiều kia khoảng gần 20m.Với cái ruộng ấy thì nhà tôi hái ba buổi là xong. Cả nhà 4 người dàn hàng ngang để hái. Ai cũng cố để không bị tụt lại phía sau. Người phải cố nhất chắc chắn là tôi rồi.

Ruộng rau muống phải hái thật kĩ, hái đến đâu là sạch đến đấy thì lứa rau sau mới tốt được. Tôi là chúa hay bị mắng vì tội chỉ hái ngọn to, còn ngọn nhỏ thì bỏ, nên nhìn khoảng ruộng tôi hái cứ lởm chà lởm chởm. Sau mấy buổi tập tành, tôi đã có thể hái rau bằng hai tay với tốc độ tương đương nhau. Nghe tiếng cuộng rau muống bị bẻ kêu lách tách lách tách rất vui tai. Hái càng nhanh thì tiếng lách tách ấy nghe càng vui. Đôi khi trong đầu tôi xuất hiện một nhịp điệu nào đó, và thế là đôi tay hái rau cũng theo cái nhịp điệu ấy luôn. Cứ khi nào hái đầy hai tay, tôi lại đưa cho mẹ để mớ (dùng lạt buộc chặt nắm rau thành mớ rau). Mẹ tôi sẽ chọn mấy ngọn rau vừa dài vừa mẫm, đặt lên trên mặt để “làm hàng” trước khi xoắn tít cái lạt màu trắng rồi cài đầu thừa vào bên trong. Tôi không được mớ rau bao giờ, vì tay tôi còn bé, chưa thể cầm hết cả mớ rau và vì tôi cứ loay hoay xoắn lạt nên cuối cùng mớ rau nát hết cả.
Hái từ lúc 4 rưỡi đến gần 6h là bốn người nhà tôi đã có hơn 30 mớ rau để đem bán. Vì bố mẹ còn phải đi làm, nên nhà tôi chỉ bán buôn thôi. Bán buôn thì cứ 10 mớ phải thêm 2 mớ gọi là “mớ chầu”
***
Rau hái xong, xếp vào quang gánh, bố tôi sẽ gánh còn mẹ tôi đi bên cạnh, tay cầm hai cái ghế con: đem rau ra mương để “dấn nước”- tức là nhúng mớ rau xuống nước cho tươi ý mà. Sau đó thì mẹ sẽ đem đi bán. Còn tôi và bà ở lại ruộng. Bà tôi thì ở lại để cắt gốc rau. Gốc rau của chòm ruộng vừa hái xong, bà dùng liềm cắt gần sát đất rồi nhồi thật chặt vào cái giỏ tre bà tự đan và đeo về nhà, gốc rau sẽ được thái nhỏ để dùng nấu cám lợn. Thường thì sau khi bố mẹ tôi gánh rau đi lên chợ tôi cũng cầm cái ghế của mình đi theo hướng hướng lại để về nhà. Về đến nhà là rửa chân rửa tay rồi ăn sáng, sau đó là làm những việc nhà như là cọ ấm chén, quét nhà quét sân, cho lợn ăn, giặt quần áo… Lần nào đi hái rau muống về tôi cũng phải giặt quần áo. Vì giặt quần áo giúp móng tay tôi sạch sẽ trắng trẻo, xà phòng và quần áo khi vò sẽ đánh bay nhựa rau đen đen bẩn bẩn bám ở móng tay tôi. Hôm nào không có quần áo để giặt, thì tôi phải kiếm quả chanh, quả quất cắt ra mà cọ. Kì cọ cho tới khi móng tay sạch hết nhựa mới thôi.