Với thế hệ 8x đời đầu, kì thi đại học là kì thi quan trọng nhất đời, nó không chỉ là một kì thi mà nó còn là một cánh cửa mở ra cả một hành trình cuộc đời của mỗi người, là chiếc thang nối bạn với ước mơ của bạn. Hồi đó các bậc phụ huynh ít có thời gian dành cho con so với thế hệ bây giờ, hôm nay thi môn gì, đề thi như nào còn chẳng biết chứ nói gì đến việc nhận xét đề dễ hay khó. Những gia đình thời đó hỗ trợ con bằng cách ưu tiên không phải làm việc nhà, hôm thi thì được bồi dưỡng vài món ngon trong bữa cơm và được người lớn đưa đi, vậy thôi. Trong thời buổi công nghệ thông tin chưa phát triển, chúng tôi vẫn tự tìm trường, tự điền hồ sơ, nộp hồ sơ, tìm thầy tìm lớp học ôn, bố mẹ cho tiền đã là tốt lắm rồi, nhiều bạn còn chẳng có điều kiện mà đi học thêm. Rồi có những bạn ở xa, tới kì thi là khăn gói lên Hà Nội thuê trọ để đi thi. Nó đúng như kiểu ngày xưa các cụ lên kinh ứng thí vậy đó.

Hồi mình thi, khối ngành kĩ thuật đang ở đỉnh cao, các trường khối A cạnh tranh khốc liệt, nhất là ở các trường top hồi đó. Ai mà đỗ Bách Khoa, Xây Dựng, Giao Thông thì cứ gọi là sĩ với cả làng cả tổng.

Mình nhớ mãi thầy dạy Hóa của mình bảo: Cậu đừng quan tâm tỉ lệ chọi là bao nhiêu. Ví dụ có 3000 đứa thi, mà người ta lấy 300 thì không phải là 1 chọi 9 chọi 10 đâu, mà cậu phải chọi 2700 đứa, điểm của cậu phải cao hơn ít nhất 2700 đứa cậu mới đỗ. Vậy đó, vậy là đã xác định thi thì cắm đầu vào mà học.

Tháng 3: Các kì sơ tuyển

Trường Cảnh sát: Buổi 1 tại công an huyện: đo chiều cao cân nặng đạt yêu cầu, không có bệnh lý, mặt mũi bình thường không có đặc điểm nhận dạng gì đặc biệt, không xăm trổ, kèm sơ yếu lí lịch ba đời trong sạch thì qua được vòng gửi xe. Buổi 2 tại một trụ sở cơ quan công an trên đường Lý Thường Kiệt mà tôi quên mất tên rồi. Buổi này làm hai bài thi trên giấy. Một bài trắc nghiệm IQ logic. Một bài luận khoảng 800 từ (tôi không còn nhớ chính xác đề bài, đại ý là viết về vai trò của Đoàn Thanh Niên)🤫
Trường Xây dựng khối V: sơ tuyển là thi một bài vẽ chì. Thời gian thi nửa ngày.

Tháng 7: Kì thi chính thức

Trường Cảnh sát thi đợt 1, khối A. Ngày ấy thì trường nào ra đề trường đó, mỗi trường sẽ có một dạng đề đặc trưng riêng. Đứa nào hồi đó chả có cả tập đề của các trường để ôn luyện. Chưa kể quyển bộ đề do Bộ GD phát hành, cứ gọi là làm vài lượt cho nhuần nhuyễn.
Vào phòng thi, không khí cực kì nghiêm túc từ lúc gọi số báo danh. Quan sát xung quanh thấy mặt mũi ai cũng lạnh te, nghiêm trang. Đúng những mầm non của ngành có khác. Tới lúc làm bài mới gọi là choáng váng. Cảm giác nghe thấy tiếng ngòi bút rột roạt trên giấy luôn ấy. Cả phòng thi ai nấy cắm cúi viết, nhát cái lại có đứa giơ tay xin thêm giấy, xin thêm nháp. Ba buổi thi, buổi nào cũng như buổi nào, đều răm rắp, ai cũng mấy tờ giấy làm bài kín chữ. Có vẻ như không ai là không làm được bài. Tôi cũng làm được (một số) bài. 🤣🤣🤣
Trường Xây dựng thi đợt 2, khối V.
Ngày đầu thi Toán-Lý. Vừa thi trường Cảnh sát xong sang đây thi thấy không khí khác hẳn luôn. Thí sinh ăn mặc lôi thôi hơn, đầu bù tóc rối uể oải hơn, nhiều gương mặt già chát, râu ria tua tủa cũng có luôn. Đề thi khối A và V giống nhau trừ câu cuối thì chia ra hai nội dung, khối nào làm phần của khối ấy. Đứa ngồi bàn bên cạnh, tôi thấy làm được 2 mặt giấy là ngồi vẽ linh tinh rồi. Lúc tôi lên bàn giám thị xin giấy, nhìn xuống thấy cả nửa phòng thi nằm bò ra bàn, không biết nằm ngủ hay vẽ nghịch linh tinh nữa. Bài thi 180′ nhưng 2/3 thời gian, thí sinh đã lục đục đem bài lên nộp với khối lượng làm 1-2 trang giấy. Tôi nghĩ thầm trong bụng “kiểu này đỗ chắc rồi” à há. 🤣
Ngày thi thứ 2, thi vẽ. Thời gian làm bài 4 tiếng. Bài chính là vẽ tổ hợp tĩnh vật 3 món. Bài phụ là bố cục đường nét theo chủ đề. Tất cả đều vẽ chì. Buổi này không khí rôm rả có sức sống hơn hẳn buổi thi Toán Lý. Ai nấy đều lỉnh kỉnh bảng vẽ, ống bút, lại còn mang thêm cả nước uống, thôi thì bò húc, café, coca các thứ, không thì cũng Lavie-một phần tất yếu của cuộc sống, có ông anh đem cả lon bia, nhưng bị giám thị bắt không cho đem vào, tự nhiên tôi bị ngại, lén lút nhét hộp sữa hút vào túi, để lại ngoài hành lang không dám lấy ra uống nữa. 🐣
Vào làm bài thì thôi, ai cũng hăng hái dựng khung, căng giấy, chọn góc rồi vẽ với khí thế hừng hực. Trong phòng thi vẽ thì có thể đứng lên, đi lại loanh quanh vặn người vươn vai, uống nước, thậm chí có thể ngó nghiêng bài của thí sinh khác, giám thị trông cũng dễ lắm, miễn đừng làm gì quá trớn là được. Đáp án ở ngay trước mặt đấy, chỉ việc chép vào là xong! 👻
Lúc tôi còn đang dựng hình thì nhìn xung quanh mọi người đã bắt đầu đánh bóng. Nhìn sơ qua thấy bài ai cũng đẹp hơn bài mình, một sự sợ hãi tột cùng dâng lên làm tôi thấy khó thở, tay chân bắt đầu lập cập, cầm cái bút cũng không xong, que đo cứ giơ lên lại rơi xuống, dây dọi nhìn cứ nhòe hết cả đi. Mồ hôi vã ra, tim đập thình thịch. Kết thúc buổi thi, cơ thể thì như bị rút cạn năng lượng, tâm trạng nặng nề, nghĩ thôi chắc trượt rồi chứ vẽ nhân đôi mà bà con làm bài như vũ bão thế thì cửa nào cho tôi. Đúng là đời lên voi xuống chó, hôm trước thi xong nghĩ mình khéo phải đỗ thủ khoa, tới hôm sau thì chỉ mong sao bài không bị điểm liệt. 🤦🏻‍♀️
Cuối cùng trường CS thì trượt, trường XD thì đỗ nên mới có tôi của bây giờ.
Ảnh minh họa là một tờ nháp thi môn toán của 1 bạn hs thi khối H, mình nhặt được trên mạng đợt thi tốt nghiệp PTTH vừa rồi, với đề toán được đánh giá là khó nhất trong các kì tuyển sinh. Hồi mình thi thì cũng tương tự vậy đó, môn Toán Lý nhiều bạn không làm được bài thì chỉ ngồi vẽ linh tinh vào nháp chờ đến giờ nộp thôi.