“Bao giờ cho đến tháng Ba
Hoa gạo rụng xuống bà già cất chăn”
Vừa cất chăn xong thì rét nàng Bân lại về, thời tiết thật là…tráo trở. Nên dân gian cũng lại có câu “Rét tháng ba bà già chết cóng”. Vừa hôm trước gió Đông Nam nồm ẩm oi bức, hôm sau đã lại trở gió Đông Bắc lạnh căm. Đặc thù thời tiết miền Bắc đúng là không đâu giống, những bạn sống ở phương Nam nắng ấm quanh năm dễ gì hiểu được sự trở mặt của thời tiết là như thế nào. Mấy chị em bạn dì của mình ở phương nam hay thắc mắc ba phần ngạc nhiên bảy phần khó hiểu “sao dạo này bọn ở Hà Nội cứ than nồm suốt vậy!?” “Sao vừa hôm qua mặc áo cộc nay đã áo len dày sụ thế!?”
Mình thì đã gắn bó với thời tiết bốn mùa đỏng đảnh của Hà Nội cũng sắp đủ 40 năm rồi, mỗi ngày lại thấy thêm thú vị, gắn bó, nhớ thương. Rét nàng Bân hôm nay đến, trời lạnh và ướt sũng mưa, mình ngồi nhìn ra ngoài cửa sổ, tự nhiên muốn viết chút gì đẹp đẹp về nàng, mà đến khi bắt đầu lại chẳng biết viết làm sao cho đẹp. Chuyện xưa kể rằng nàng Bân vụng về chậm chạp đan áo ấm cho chồng mà đan từ mùa đông qua hết mùa xuân mới xong, áo đan xong thì trời đã sắp sang hè. Nàng khóc vì tấm chân tình chẳng có cơ hội được bày tỏ, ông trời thương nàng, bèn ban những cơn gió lạnh thật lạnh để chồng nàng được mặc áo nàng đan.
Nhân một ngày tháng 3 có hoa gạo đỏ, mình với bạn Miu đi thăm bảo tàng Lịch sử một chuyến, ở đây có cây gạo cổ rất đẹp, mình cũng đã thu hoạch được vài bức hình cho bạn Miu.
Nhân việc từ hoa gạo mà nhắc đến Bảo tàng lịch sử. Mình chia sẻ vài ý kiến của mình, sau khi đọc bài viết này: https://kienviet.net/2017/09/12/bao-tang-lich-su-quoc-gia-va-tra-sua/?fbclid=IwAR1p_ikjIbgiH7pwwZ9PISVU1zkesgEY38HUDRoVrtTmfVWUk-3AQaynC2s
Bài báo mở đầu bằng một câu rất xóc óc: “Bảo tàng thua quán trà sữa, không phải bởi vì trà sữa. Là bởi cô chủ quán trà sữa không được dựa “ngân sách nhà nước”. Là bởi não trạng của những người tin rằng cái ngân sách ấy là vĩnh cửu và vạn năng…”
Đọc thôi đã thấy trong đầu người viết chứa đầy sự cay nghiệt, định kiến với thể chế xã hội và cả sự khinh khi người khác, tự cho mình là thượng đẳng.
Nhà báo viết “Năm ngoái, theo thông tin trên báo, thì mỗi ngày tòa nhà tráng lệ thời thuộc địa này, chỉ đón hơn 100 khách” quả là trích dẫn “có tâm” đầy tính nghiệp vụ báo chí (cho tui cười khẩy một cái với “theo thông tin trên báo”)
Mình khẳng định nhà báo này lâu nay không đi bảo tàng, ít nhất là Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.
Bảo tàng – tất nhiên không phải nơi vui chơi giải trí kiểu rạp chiếu phim hay trung tâm thương mại, càng không phải chỗ kinh doanh đồ ăn thức uống. Nếu có phục vụ đồ ăn thức uống thì nó cũng chỉ là công trình phụ trợ, bổ sung cho công năng chính của bảo tàng mà thôi. Bảo tàng lịch sử kể cả có vắng như chùa bà Đanh thì bản thân vẫn gánh đầy giá trị mà nhiều khi, giá trị không cần phải khẳng định bởi số đông.
Còn nếu như nhà báo này có hạ cố đến thăm Bảo tàng Lịch Sử Việt Nam thực sự, thì sẽ thấy, một ngày bảo tàng này đón rất nhiều lượt khách thăm quan, cả người Việt và khách nước ngoài chứ không phải hơn trăm khách như nhà báo vẫn tưởng. Mà giả một ngày có hơn trăm khách thôi thì cũng đã làm sao?!
Tòa nhà Viễn Đông Bác Cổ thì khỏi cần phải bàn về giá trị kiến trúc lịch sử của nó. Bản thân công trình đã là một tuyệt tác. Còn các hiện vật bên trong thì sao? Phải vào và mất cả ngày, thậm chí nhiều ngày trong đó mới biết được.
Với cá nhân mình, đây là một trong những bảo tàng được đầu tư chất lượng tốt nhất trong các bảo tàng mà mình đã được thăm quan. Từ hiện vật đến kỹ thuật trưng bày, tuyến thăm quan, ánh sáng…tất tật đều rất khoa học, đẹp, chỉn chu từng chút một.
Bạn Cún nhà mình có tham gia một lớp học lịch sử nhỏ tại chính bảo tàng Lịch sử Việt Nam, và vì đi theo lớp con, nên mình được chứng kiến từng chi tiết nhỏ như cô lao công luôn luôn lau mặt kính hộp trưng bày ngay sau khi một đoàn khách đi qua, cổng an ninh hiện đại, tủ đề túi xách balo cho khách kín đáo, khu vệ sinh sạch sẽ thơm tho, cây nước miễn phí không lúc nào thiếu cốc… Chỉ một buổi sáng, mình thấy có 3 đoàn lớn khách nước ngoài đến thăm quan trong đó có một đoàn mà mình đoán là của quân đội Lào vì mình thấy họ mặc quân phục, có 3 lớp học lịch sử dành cho các bạn nhỏ như lớp của con gái mình, khách lẻ rất nhiều gia đình 2-4 người và có cả những vị khách mà mình gọi họ là “khách cô đơn” họ đi một mình và thăm thú say mê.
So với bảo tàng Lịch Sử mình đến từ dạo còn là sinh viên, thì giờ, nó đã tốt lên rất rất nhiều, tốt từ cách duy tu bảo dưỡng tòa nhà Viễn Đông Bác Cổ – mà mình được nghe cô giáo hướng dẫn lớp con nói là: chúng tôi chỉ lắp thêm điều hòa cho mát (mà theo quan sát của mình thì vị trí điều hòa cũng rất ý tứ), bố trí thêm đèn phục vụ công tác trưng bày, còn đâu giữ nguyên mọi kết cấu của công trình cũ.
Bản thân mình cảm thấy không thể đòi hỏi gì hơn ở một cơ quan quản lý – nói riêng với Bảo tàng Lịch Sử. Mình thấy biết ơn, vì có một nơi lưu trữ cả một lịch sử đất nước, với số lượng hiện vật trưng bày đồ sộ trải suốt chiều dài lịch sử, để mình có thể tiếp cận, tìm hiểu và chiêm nghiệm.
Bảo tàng không có lỗi, lỗi là vì nhiều người thích uống trà sữa hơn đi bảo tàng thôi!
Đừng tư duy theo kiểu: bỏ trợ cấp ngân sách thì bảo tàng sẽ đông như quán trà sữa. Mình khinh!
Dưới đây là vài hình ảnh mình chụp trong buổi đi học lịch sử cùng con
Sàn nhà sạch bóng, mát lịm, các bạn thoải mái ngồi lăn lê
Ngoài nhóm của con mình, thì còn có những đoàn khách khác nữa. Ảnh này mình chụp 2 cô bộ đội trong đoàn quân đội của nước bạn Lào (mình đoán dựa trên trang phục thôi) – đoàn này cũng khá đông, có hướng dẫn viên riêng, sau một hồi đi theo HDV thì các cá nhân tự do thăm quan.
Bạn Cún nhà mình năm đó
Các bạn nhỏ sau khi nghe cô HDV giới thiệu chủ đề thì sẽ ghi chép những thứ mình quan tâm, để còn viết bản thu hoạch sau khóa học
Bên trong bảo tàng sạch sẽ, mát mẻ, lại đầy ắp thông tin thú vị và quý giá, chẳng có lý do gì để nó phải bắt chước “quán trà sữa” cả. Nếu mọi thứ đều chạy theo lợi nhuận, doanh thu, thì xã hội sẽ mất dần những giá trị của văn hóa, lịch sử, truyền thống, vậy tương lai con cái chúng ta sẽ còn gì?
Hình ảnh rất đẹp mình chụp được: sau khi một đoàn thăm quan rời đi, cô lao công sẽ lặng lẽ tới lau toàn bộ mặt kính của tủ trưng bày, để đảm bảo nó luôn trong suốt không một dấu vân tay, phục vụ người xem được tốt nhất. Bắt gặp hình ảnh này, thực sự rất xúc động và trân trọng.
Còn đây là hình bạn Miu hôm trước đến thăm bảo tàng, sau đó vào quán cafe ăn kem. Trong khuôn viên bảo tàng có quán cafe tên là LeBon rất đẹp. Tuy nhiên giá đồ ăn thức uống ở đây hơi đắt xíu. Trong sân bảo tàng, dưới gốc đa cổ thụ, còn có máy bán nước tự động phục vụ khách thăm quan, có điều mình quên không chụp lại để xem máy có bán trà sữa hay không =))))))
Thông tin chung về Bảo tàng lịch sử Việt Nam:
Địa chỉ: Số 1 Tràng Tiền
Ngày mở cửa: thứ 3 đến chủ nhật
Giờ mở cửa: Sáng: 8h00 – 12h00, Chiều: 13h30 – 17h00
Giá vé tham quan: Người lớn: 40.000đ. Học viên, sinh viên: 20.000đ . Học sinh: 10.000đ.
Page FB: https://www.facebook.com/BTLSQG.VNMH
Website: http://baotanglichsu.vn/vi?fbclid=IwAR3k3zc173bEpcCpSxU5Jt–8O77J5AeFZUD8wDQVdDWwTDFdQjx6Tdrj3U
PS: Website thực sự rất hay, mình đặc biệt thích là phần Trưng bày ảo 3D chuyên đề “Bảo vật quốc gia”
Giá vé mềm ghê chị nhỉ. Em cũng rất thích đi bảo tàng chị ạ. Nhân nói về sử, em hay xem kênh youtube Việt Sử Kiêu Hùng và Đuốc Mồi, thấy rất hay chị ạ
Thanks em, để chị tìm xem nhé.