Với mình, một chiếc bánh mì ta ĐẸP là khi bánh có màu nâu vàng, vỏ hơi rạn nhìn đã thấy giòn. Mặt trên của bánh nứt rộng, để lộ phần ruột bên trong phồng lên và xém vàng. Chiếc bánh có hình tựa như chiếc lá với đường rạch nở căng, thành bánh cao gọn gàng.
Bên cạnh việc có một công thức chuẩn, thì khâu tạo hình cũng rất quan trọng. Và trong bài viết này, mình  chia sẻ cách tạo hình cho những chiếc bánh mì Việt Nam.
Có hai công đoạn ảnh hưởng lớn đến hình dáng chiếc bánh sau khi ra lò, đó là: Nặn bánh và rạch bánh.
A. NẶN BÁNH
Bột sau khi ủ lần 1, lấy ra, ấn xẹp bọt khí. Sau đó chia bột thành các phần nhỏ. Mình dùng cân để chia bột được đều nhau. Các phần bột sau khi chia, được viên tròn lại, để nghỉ một lúc. Thực ra, mình chỉ làm đến viên bột cuối cùng là quay trở lại xử lý viên bột đầu tiên thôi. Cứ viên nào nặn trước thì đem ra làm trước. Như vậy là bột cũng đủ thời gian nghỉ rồi.

1. Viên bột hình tròn, để nghỉ
2. Cán bột mỏng ra thành hình bầu dục. Mình dùng một cái cốc để cán
3. Cuộn bột lại theo chiều dài
4. Mím mép bột lại cho thật kín
5. Dùng 2 tay lăn khối bột trên bàn. Chú ý để lực ở phần cạnh ngoài của lòng bàn tay mạnh hơn một chút, chúng ta sẽ thu được khối bột thuôn dài với 2 đầu nhọn.
Xếp bột vào khay, đem ủ lần 2.
B. RẠCH BÁNH
Bánh sau khi ủ lần 2 lấy ra rạch. Có bạn thì rạch bánh khi mới ủ lần 2 được 1 nửa thời gian. Có bạn thì rạch bánh khi đã ủ đủ, rạch xong là nướng luôn. Mình làm theo cách thứ 2. Đó là ủ đủ, rạch xong, xịt nước, nướng ngay.
Các vấn đề thường gặp khi rạch bánh đó là:
1. Vết rạch bị dúm
2. Rạch xong bánh bị xẹp
3. Bánh nướng ra hình dáng bị biến dạng, bánh to bè, tròn ủng
Vấn đề 1: khắc phục bằng cách dùng dao thật sắc. Có thể dùng dao rạch bánh mì chuyên dụng, hoặc đơn giản hơn là dùng dao lam như mình.
Vấn đề 2: có thể do bánh nở to, bọt khí rỗng và tay bạn tác dụng lực tương đối mạnh. Khắc phục bằng cách đưa dao nhẹ nhàng nhưng dứt khoát, không day đi day lại tại một vị trí. Hoặc nếu không tự tin, bạn có thể tiến hành rạch bánh trước rồi ủ sau cũng được (nhưng cách này mình thấy bánh ra ko đẹp – đối với tay nghề của mình)
Vấn đề 3: do vết rạch quá sâu và rạch theo phương thẳng đứng. Khắc phục bằng cách tạo vết rạch nông hơn, và nghiêng sang cạnh bánh thay vì tiến sâu về phía đáy bánh
Đây là hình vẽ minh họa cách rạch bánh của mình:

1. Rạch tạo vết: lúc này, đưa dao từ đầu này đến đầu kia của bánh, lớp màng bột ngoài cùng bị cắt đứt, tạo nên một vết cắt nông.
2. Rạch sâu thêm về phía thành bánh, bạn điều chỉnh lưỡi dao sao cho nó lách được vào phần vỏ bánh, tạo ra 1 vết cắt ẩn bên trong vỏ bánh. Chi tiết này khá quan trọng, vì vết rạch này sẽ quyết định đến hình dáng của bánh sau khi nướng.
Sau khi rạch xong, xịt đẫm nước vào bánh, đặc biệt xịt nhiều nước vào vết rạch để bánh nở tốt trong quá trình nướng.