Hàng năm cứ đến đầu tháng 3 âm lịch, là làng bánh cuốn Thanh Trì lại mở hội. Tuy nhiên, không phải năm nào cũng làm “to”, mà phải 3 năm một lần.
Năm nay lại đến hẹn 3 năm, lễ hội được tổ chức linh đình với lễ rước kiệu vào sáng ngày mùng 2 tháng 3 âm lịch. Nhưng điều được mong chờ nhất, lại là hội thi làm bánh cuốn diễn ra vào chiều cùng ngày.
Mời các bạn cùng xem vài hình ảnh mà mình ghi lại được nhé. Có cả video nữa, mình đang chưa biết làm thế nào để up lên, phần nữa video quay bằng điện thoại nên chất lượng không được tốt. Thôi mình cứ đăng ảnh trước đã, vụ video tính sau.

Hội thi làm bánh cuốn truyền thống của làng có hai phần thi: tráng bánh cuốn mỏng và làm bánh cuốn nhân.
Bánh cuốn mỏng tráng xong được xếp từng lớp từng lớp lên lá chuối, lớp sau chồng lên lớp trước hở mí cỡ nửa centi. Bánh cuốn nhân thì có nhân thịt mộc nhĩ nấm hương xào kĩ gói bên trong.

Mỗi đội thi phải làm vừa nhanh vừa đẹp vừa ngon. Các tiêu chuẩn chấm thi cũng đến hai chục cái gạch đầu dòng
Khi ban giám khảo chấm điểm tới đội nào thì sẽ có 1 người đại diện đứng lên thuyết minh, cầm micro nói và phát trên loa để tất cả mọi người được nghe. Nhờ đó mà mình biết thêm ít kiến thức về lịch sử cũng như kỹ thuật làm bánh cuốn.

Các đội thi rất đầu tư vào trang phục, thường là các bộ trang phục truyền thống như là áo tứ thân mớ ba mớ bảy

Áo nâu – khăn mỏ quạ – được miêu tả trong bài diễn văn là trang phục “nhận diện” cho các bà các chị đội thúng bánh cuốn lên phố bán

Hình ảnh quen thuộc của những hàng bánh cuốn xưa với cái chõng, mấy cái bát men xanh, ống cắm đũa và bình tích nước nụ vối.

Cánh nền ông thì thường mặc bộ nâu sồng, chít khăn đầu rìu.

Hoặc áo the khăn xếp như những thầy đồ ngày xưa. Ông đồ thời nay đang up ảnh lên FB 😉

Bà cười tươi quá, đi hội thấy ai cũng vui tươi, một không khí khiến mình thấy vui lây, hào hứng yêu đời thêm.

Người dân đi hội cũng thường chọn trang phục truyền thống, màu sắc rực rỡ và không quên chụp ảnh kỷ niệm. Nhiều người thường nói giờ giá trị truyền thống đang dần mai một, mình thấy không phải, chẳng qua là nó không có điều kiện để bộc lộ thường xuyên thôi, chứ cứ nhìn vào lễ hội ở làng mình thì thấy những giá trị ấy vẫn đang được truyền lại từ đời này qua đời khác. Ít nữa về hưu có lẽ mình cũng xin một chân vào đội thi làm bánh cuốn, hihi.
Sau một hồi lượn xem không khí náo nhiệt thì mình cũng chen được vào gần chỗ làm bánh chụp vài bức ảnh làm tư liệu. Các bạn cùng xem nhé!

Đây là cách người thợ lấy bánh ra.: dùng 1 que tre nhỏ, mềm dẻo, luồn xuống dưới mặt bánh, nhẹ nhàng nhấc bánh lên, nó giống như động tác bóc một lớp lá mỏng ấy. Bánh cuốn lá rất rất mỏng. Có một quy định là 1 kg bánh không được ít hơn 60 hay 600 lá bánh gì đó mà mình nghe không rõ. Đại ý là phải rất mỏng. Lúc lấy bánh ra khỏi nồi phải rất khéo léo để bánh không bị rách

Bánh lá lấy ra được đặt lên tàu lá chuối, mỗi lớp bánh lại được phết một chút mỡ hành. Từng lớp từng lớp mỏng tang xếp chồng lên nhau. Khi ăn, sẽ phải bóc từng lớp lá bánh mỏng tang, bày lên đĩa, rắc hành phi. Bánh cuốn lá được coi là đỉnh cao của nghệ thuật làm bánh cuốn.

Đây là cách người thợ làm bột. Gạo tẻ được chọn là giống gạo Khang Dân, ngâm mềm rồi xay bằng cối đá quay tay. Cối xay bột bằng đá nguyên khối rất nặng, phần miệng phễu rót người ta  uốn 1 thanh tre cật cong cong để dẫn cho dòng bột chảy xuống vại bên dưới mà không bị bắn ra xung quanh

Chiếc gáo múc nước chêm vào cối gạo được làm từ tre. Nó giúp lượng nước đổ vào không nhiều quá làm loãng bột, và người xay bột thường đếm số vòng quay của cối để thêm nước cho cối khỏi “khê”

Bánh cuốn nhân thịt, với lớp bánh mỏng cuộn bên trong thịt lợn nạc vai bằm nhỏ xào kỹ với mộc nhĩ nấm hương. Mỗi chiếc bánh nhỏ xinh vừa 2 miếng cắn. 

Một mẹt bánh nhân thịt vừa được gói xong

50% sự thành công của món bánh cuốn nằm ở khâu nước chấm. Nước chấm bánh cuốn nổi vị ngọt nhiều hơn so với nước chấm của các món ăn khác. Nhưng nó là một vị ngọt dễ chịu và cực kì cân bằng. Mỗi nhà làm bánh lại có một tỉ lệ pha nước chấm bí mật, ngay cả việc họ dùng nước mắm loại nào, đường nâu hay đường cát, dấm gạo của hãng nào cũng ít khi được tiết lộ.

Đây là cây chả quế. Ngày xưa chả quế được quết lên 1 cái ống bương to và nướng. Giờ thì ống bương được thay bằng 1 trụ tròn inox. Màu chả quế lúc nào cũng đỏ cam hấp dẫn, lớp vỏ ngoài dai dai, phần thịt ngọt thơm rất đặc trưng.

Khi ăn, chả quế thường được cắt hình quả trám, bày vào đĩa tròn nhìn như bông hoa

Bánh cuốn còn được ăn với đậu rán, nếu bạn đã đọc tác phẩm “Miếng Ngon Hà Nội” của ông Vũ Bằng sẽ thấy đậu phụ rán đã là món ăn kèm bánh cuốn từ ngày xưa rồi. Nhưng giờ thì ít người ăn như thế.
Ngày nay, người ta còn ăn bánh cuốn cùng với trứng chần, nhưng bạn sẽ không tìm thấy món này ở làng Thanh Trì đâu. Vì bản chất bánh cuốn Thanh Trì là món nguội, ăn cùng trứng nguội sẽ tanh lắm.

Hành phi cũng là một phần đặc biệt của món ăn. Sáng hay chiều đi qua làng đều ngửi thấy mùi hành phi thơm lừng lên. Ở làng mình, người ta làm hành phi từ củ hành tím, thái mỏng rồi tãi ra mẹt, phơi 1-2 nắng cho héo rồi phi giòn trong chảo dầu. Làm hành phi ngon phải là người phải có kinh nghiệm, bởi chỉ vớt hành ra khỏi dầu sớm hay muộn vài giây thôi món hành đã khác. Không phải ai cũng làm được hành ngon. Hành phi ăn kèm bánh cuốn giòn rụm và thơm đặc biệt, không sũng dầu, cũng không rắc bột làm giòn. Chỉ đơn giản là hành 100% phi thơm, mình có thể bốc hành phi mà ăn vã cũng được ấy.

Một món không thể thiếu trong bánh cuốn ấy là cà cuống. Thật khó có thể hình dung, cái con bọ trông vừa giống gián vừa giống bọ xít kia lại là linh hồn của món bánh thanh tao trắng mỏng. Ấy thế mà bao đời nay, người ta ăn bánh cuốn là phải có nó thì mới đúng chuẩn biết ăn.
Các hàng bánh cuốn bây giờ hay có lọ tinh dầu cà cuống, nhỏ 1-2 giọt vào nước chấm lấy thơm. Nhưng nghe các cụ trong làng nói thì toàn là tinh dầu giả. Muốn ăn thì cứ con cà cuống nướng lên rồi dầm/cắt nhỏ vào bát nước chấm.
Thật tình, mình chưa bao giờ ăn cà cuống cả. Chắc chưa đủ độ gọi là sành ăn nhỉ. Nhưng mà bánh cuốn có cà cuống hay không thì vẫn cứ là ngon lắm. Chỉ từ hạt gạo và nước mưa thôi, mà thành những lá bánh trắng ngần mỏng tang, ăn miếng bánh là thấy mát lòng, thư thả. Những ngày đầu hè oi nóng, thủng thỉnh mở cái lồng bàn mà bày ra đĩa bánh trắng nõn, rắc hành phi vàng ruộm bên cạnh bát nước chấm óng ánh màu hổ phách thì ôi chao. Mọi cao lương mỹ vị trên đời cũng chẳng còn nhiều ý nghĩa.