Phải nói là món bánh mì Việt Nam là một món bánh khó, quá khó đối với mình. Mỗi lần làm là một lần bánh đi thẳng từ lò nướng ra thùng rác. Lúc nào cũng là cứng ngắc và vẫn còn nồng mùi men. Và món bánh này cứ đeo đẳng mình. Chả lẽ phải ăn bánh mì chợ cả đời, với đủ thứ phụ gia độc hại? Mình đã chứng kiến lò bánh mì gần nhà, không hiểu họ ủ bột như nào mà từ dải bột nhỏ bằng 2 ngón tay nở ra cái bánh mì to tướng.
Mình đã làm khá thành công các loại bánh mì mềm, dạng như sanwich, bánh mì mặn, bánh mì ngọt…tức là các loại bánh mì mà thành phần có sữa, bơ, đường, thậm chí cả trứng nữa. Còn thể loại bánh mì chỉ có nước, men và bột không thì mình chưa bao giờ thành công, mặc dù đã thử qua nhiều công thức.
Cho đến khi mình gặp công thức của chị ngocminh2006 và thử làm. Thật không ngờ, bánh làm theo công thức mới này lại … ăn được, và còn rất ngon nữa. Vượt xa cả sự mong đợi của mình. Thật lòng, lúc bắt tay vào làm, mình không mấy hy vọng sẽ thành công.
Tuy nhiên, bánh công thức bột chua này vẫn hơi nhiều ruột (gần giống bánh mì bagguette) và thể tích nở của bánh bằng khoảng 3 lần so với bột. Vì vậy, mình vẫn chưa thể gọi là bánh mì Việt Nam đúng nghĩa, mặc dù mình cố gắng tạo hình theo kiểu đó.
Theo mình, công thức này, thích hợp để cho ra những chiếc bánh mì Baguette. Đặc biệt, vị bánh rất ngon, thơm mùi bánh mì đặc trưng, vỏ giòn, ruột xốp mềm và dai.

CÔNG THỨC:
1. LÀM BỘT CHUA (có thể làm từ hôm trước – bột này để tủ lạnh được 1-2 tuần nên mình làm một mẻ nhiều nhiều luôn)
– 300g bột mì (mình dùng bột Cái cân vì đang sẵn – phần bột chua này có thể dùng bột mì đa dụng) + 300ml nước + 2 thìa cafe đường + 2  thìa cafe  men nở.
Cho tất cả vào 1 cái hộp, quậy đều, để ở nhiệt độ phòng khoảng nửa ngày thì bột nở lên đầy hộp, đậy nắp lại cất vào tủ lạnh dùng dần.
2. LÀM BÁNH
-350g bột mì dai (mình dùng bột mì Cái cân)
-200ml nước ấm
– 1/2 thìa cafe muối
– 6-7 g men
– 100g bột chua ở trên
Ngâm men vào nước ấm cho nở (mình thêm 1 thìa cafe đường hòa tan vào nước để kích hoạt men tốt hơn). Trộn bột mì với muối trong 1 cái tô. Cho nước men + bột chua vào tô bột. Dùng máy cầm tay trộn. Mình trộn một lúc thấy máy nóng nóng thì nghỉ 5 phút rồi trộn tiếp. Thời gian trộn khoảng 20 phút. Lấy bột ra, nhồi trên bàn một lúc và đập độ chục nhát, cuộn cuộn lại thành khối tròn mịn, để lại vào tô. Phủ wrap và ủ lần 1 đến khi bột nở gấp đôi.
Lấy ra, ấn xẹp, tạo hình, xếp vào khay, ủ tiếp đến khi bánh lớn gấp đôi.
Lấy bánh ra, rạch bánh rồi xịt đẫm nước, đặc biệt xịt nhiều nước vào vết rạch.
Cho vào nướng, bật lò ở 175 độ (lò nhà mình là Sanaky nên nhiệt thực có thể cao hơn nhiệt mình đặt)
Có thể đặt một bát nước nóng ở dưới khay bánh để tăng độ ẩm trong lò. Vì lò nhà mình nhiệt trên cao hơn nhiệt dưới nên mình phải để khay bánh ở rãnh dưới cùng. Vì thế, mình không cho bát nước vào được, nên mình xịt nước rất nhiều vào khoang lò, trên thành và dưới đáy.
Nướng bánh cho đến khi bánh vàng đều là được.

Bánh mì Việt Nam, thực ra xuất phát điểm là từ bánh mì Pháp, nhưng đã được điều chỉnh để phù hợp với khẩu vị và cách ăn của người Việt Nam. Bánh mì Việt Nam có thể chấm sữa đặc, sữa nước, ngày nhỏ mình còn chấm nước đường. Kẹp với chuối hoặc với kem. Là bữa sáng đủ chất khi kẹp với trứng, pate, thịt nướng, xá xíu…kèm với rau dưa phong phú.
Từ giờ, mình đã có thể tự nướng những chiếc bánh mì ta cho cả nhà được rồi. Tính theo giá thành có lẽ những chiếc bánh mình làm ĐẮT hơn bánh mua ý chứ. Nhưng được cái là yên tâm về chất lượng, và cái được lớn hơn đó là trải nghiệm thú vị với bánh. Và niềm vui còn nhân lên nhiều lần, khi thấy người thân của mình ăn một bữa sáng ngon lành với những chiếc bánh mới được làm ngay tại nhà.
Mời các bạn món bánh mì thịt nướng nhé!

PS: Mình sẽ còn quay lại món bánh mì Việt nam với một công thức ưu việt hơn nữa.