Tết Đoan Ngọ, mùng 5 tháng 5 âm lịch, còn gọi là ngày Giết sâu bọ. Theo dân gian, nếu sáng sớm ngày này, ăn 1 ít hoa quả và vài thìa rượu nếp, thì "sâu bọ" hay có thể hiểu là bệnh tật trong người sẽ bị đẩy lùi. Món truyền thống trong ngày này thì tùy từng vùng miền sẽ khác nhau, Miền Nam thì hay có món bánh ú tro (miền Bắc gọi là bánh gio). Miền Bắc thì có món rượu nếp.

Nhà mình hôm nay cũng có món rượu nếp

 photo IMG_5179_zps5c52b301.jpg

Rượu nếp ăn ngọt đượm, lại hơi cay nồng. Ai không uống được rượu vẫn có thể ăn được món này. Ăn xong sẽ thấy hồng hào xinh tươi hơn ^^ nhưng ăn nhiều cũng có khả năng bị say như say rượu vậy

 photo IMG_5188_zpsbd4f4ff3.jpg

Không thể thiếu hoa quả được
 photo IMG_5176_zps8be7a6a1.jpg

Mình còn nấu chè sen nữa. Hạt sen tươi đầu mùa đun một tẹo đã bở tơi, thơm nức. Làm thêm một ít trân châu để ăn kèm với chè nữa
 photo IMG_5157_zps0a2717df.jpg

Cách làm trân châu lá cẩm:

Cho bột vào 1 cái tô, tạo miệng giếng ở giữa bột. Nước lá cẩm đun sôi, dùng trộn bột khi nước đang nóng già, đổ vào giữa bột, dùng đũa ngoáy, phần bột ở giữa sẽ bị chín một phần và vón thành 1 cục. Thêm nước và quậy đến khi nào phần bột ướt bên trong chiếm 2/3 lượng bột (tức là bột khô còn khoảng 1/3) thì dừng cho nước. Dùng tay nhào kỹ cho bột đều. Bột sau khi nhào sẽ gần giống bột làm bánh trôi, bánh rán.

Đây là bột sau khi trộn và Cùi dừa thái hạt lựu nhỏ để làm nhân
 photo IMG_5150_zps577943bc.jpg

Nặn trân châu giống như nặn bánh trôi, nhưng viên nhỏ hơn, cỡ bằng hạt sen. Thả vào nồi nước sôi luộc tới khi hạt trân châu nổi lên thì vớt ra, thả vào tô nước lạnh.

Muốn để dành trân châu được lâu thì nặn thành từng viên sẵn, sau đó cất ngăn đá. Lúc nào ăn thì đem ra luộc.

Mình làm trân châu để ăn với chè, nên mình làm nhạt, không cho đường. Nếu bạn thích trân châu có vị ngọt thì khi đun nước lá cẩm bạn cho thêm vài thìa đường vào đun cùng nhé.

Mình rất thích ăn trân châu, phần bột dai dai, nhân giòn sựt sựt và bùi. Kết hợp với nước chè ngọt thơm nữa, thật tuyệt!
 photo IMG_5170_zpsd28e8e88.jpg