Mình rất quý bụi lá dong nhà mình, mình hay dùng lá dong để lót đĩa đựng đồ ăn, gói nắm xôi, cái bánh mang đi làm, hay là mỗi khi trữ đông thực phẩm, mình cũng cắt 1-2 lá để gói các phần nhỏ rồi mới xếp vào hộp để lúc lấy ra được dễ dàng, không dính.

Lá dong ưa chỗ ẩm mát, lại dễ tính, không cần chăm sóc gì nhiều. Mà lạ là cứ càng cắt nhiều lá mới lại càng ra khỏe, vì vậy mà từ 5-6 lá ban đầu, giờ bụi lá dong nhà mình đã có hơn 30 lá, mà lá nào cũng to và xanh mướt. Nhiều lá nên mình lại nghĩ xem làm gì được với chúng, kể mà gần Tết là mình cắt để gói bánh chưng rồi đấy, mà đang hè, biết làm gì nhỉ, để già úa thì cứ tiếc tiếc.

Cho tới một ngày cuối tuần, cơn chăm đột xuất nổi lên, mình quyết định làm bánh tẻ để giải quyết bụi lá dong.

Bánh tẻ có nhiều phiên bản, tên gọi khác nhau ở từng địa phương: bánh tẻ Sơn Tây, Mễ Sở, Văn Giang, có nơi thì gọi là bánh răng bừa… Nhà mình thì gọi bánh tẻ là bánh gói. Hồi mình bé, bà ngoại mình hay làm bánh này, đầu tiên phải ngâm gạo, rồi đem xay thành bột, rồi nấu lên, bột chín thì cả nhà quây vào gói thật nhanh khi bột còn nóng, rồi lại đem hấp lần nữa mới hoàn thiện quá trình làm bánh.

Nguyên liệu để làm bánh rất đơn giản: gạo tẻ ngâm xay thành bột, phần nhân có thịt băm xào với thật nhiều hành lá, nêm nước mắm ngon và hạt tiêu thơm. Nhân bánh có thể thêm mộc nhĩ, nấm hương, các gia vị được nêm theo khẩu vị và đặc trưng vùng miền, bởi vậy mà cùng những nguyên liệu ấy, nhưng ăn bánh tẻ Văn Giang sẽ thấy khác với bánh tẻ Sơn Tây.

Mình thì nhớ mãi mùi thơm của nhân bánh khi xào trên bếp, nó thơm quyến rũ vô cùng. Khi ăn mình cũng thích ăn đoạn giữa có nhiều nhân, hai đầu bánh nhiều bột mình toàn bỏ thừa xong bố mình lại ăn nốt 😀

Giờ thì mình không còn là trẻ con, mà là mẹ trẻ con luôn rồi nên cũng cần “gương mẫu” ăn uống không bỏ thừa được nữa. Vì vậy mà mình quyết định sẽ làm bánh tẻ thật nhiều nhân, để ăn cho thích và không phải bỏ thừa hai đầu bánh như hồi bé nữa.

Nguyên liệu:

Phần vỏ bánh:

400g bột gạo (mình mua sẵn gói bột Tài Ký tuy không ngon bằng việc ngâm gạo rồi xay bột, nhưng được cái tiện và nhanh)

500g nước hầm xương + 500g nước lọc

40g dầu ăn (2 thìa ăn phở)

40-50g nước vôi trong (nước vôi trong sẽ giúp bột có độ “giòn”)

2tps bột canh

Phần nhân bánh:

500g thịt nạc dăm xay nhỏ ướp với 1tps bột canh + 1tps nước mắm + 1tps tiêu bột

Một bó hành lá

Cách làm:

  • Cho 1 thìa mỡ lợn vào nồi, đập dập phần đầu hành trắng, cho vào phi thơm
  • Cho thịt vào xào, nêm nếm cho vừa miệng
  • Cho hành lá thái nhỏ vào, đảo đều, rắc thêm hạt tiêu, tắt bếp
  • Cho toàn bộ nguyên liệu phần vỏ bánh vào nồi, ngâm từ 1-4 giờ.
  • Bắc nồi lên bếp đun và quấy liên tục để bột không bị sát đáy, khi thấy bột chuyển đặc và có màu trắng đục thì tắt bếp, tiếp tục quậy bột thêm 1 lúc nữa cho bột nhuyễn mượt thì bắt đầu gói bánh.
  • Phết bột lên lá dong đã được rửa sạch, xúc 1 thìa nhân trải lên, cuộn lá lại sao cho phần bột bao phủ hết phần nhân, gập 2 đầu và buộc dây. Vậy là xong.
  • Xếp bánh vào nồi, đổ nước 1/3 nồi là đủ, luộc bánh tính từ lúc sôi khoảng 20-30 phút là chín.

Bánh chín rồi đây:

Bánh ăn nóng hay nguội đều ngon, mình gói nhiều nhân quá nên bột còn không phủ kín =))))

Sau khi nghiệm thu sản phẩm thì mình kết luận là bánh mình làm không ngon bằng bánh bà ngoại mình làm hồi trước. Nhưng giờ bà mình nhiều tuổi, yếu lắm rồi không còn làm bánh cho mình ăn được nữa.

PS: toàn bộ ảnh trong bài mình chụp bằng điện thoại nên không được đẹp như ảnh chụp bằng máy ảnh, hy vọng một ngày nào đó mình sẽ lại chăm, làm lại món này và chụp ảnh “nghệ” hơn, bụi lá dong nhà mình vẫn còn nhiều lá lắm.