Ngoài hoạt động Khám phá Hệ mặt trời trong lòng thành phố, thì Lễ hội thiết kế sáng tạo năm nay của Hà Nội còn có rất nhiều các hoạt động khác. Với 10 ngày chính thức, và 2 ngày mở thêm, đã có hàng trăm hoạt động diễn ra tại nhiều địa điểm khác nhau, mà trong đó có những địa điểm đã đóng cửa cả trăm năm nay mới được mở cửa lần đầu phục vụ sự kiện.

Các hoạt động nổi bật của sự kiện như thăm quan tháp nước Hàng Đậu, khám phá hệ mặt trời trong thành phố, chuyến tàu di sản, triển lãm nghệ thuật tại nhà máy xe lửa Gia Lâm thu hút hàng trăm nghìn lượt khách tham quan, ngoài ra còn rất nhiều các buổi biểu diễn, trình diễn nghệ thuật, trưng bày sản phẩm, các workshop, hội thảo…
Phải công nhận một điều là Lễ hội được thiết kế rất tốt, các hoạt động thú vị diễn ra ở những không gian đặc sắc về kiến trúc công trình và cảnh quan đô thị, dấu ấn tích cực của Hội KTS khi tham gia tổ chức sự kiện lần này.
Mình thích Lễ hội đến nỗi phải đi tận 2 lần (mà nếu còn thời gian mình có thể đi thêm nhiều lần nữa) lần đầu mình đi cùng bạn Miu, lần sau mình đi cùng các bạn đại học của mình. Cả hai lần đều ra về trong bịn rịn vì còn nhiều thứ muốn xem nữa.
Cả hai lần, mình đều mua vé của Chuyến tàu Di sản phục vụ riêng cho lễ hội mà theo thông tin của các anh chị phục vụ trên tàu thì ban đầu tàu có 6 toa, sau tăng cường thêm 5 toa nữa là 11 toa vì không ngờ lượng khách đông đến vậy. Tàu xuất phát từ ga Hà Nội, kết thúc ở ga Gia Lâm.
Lần đầu, chúng mình lên trúng toa cộng đồng, được các anh chị nhân viên phục vụ mời ở lại toa luôn khỏi về toa ghi trên vé, trong cả hành trình, các bạn trẻ đàn hát ở đây rất vui. Miu và Chíp thì vô cùng phấn khích vì lần đầu tiên được đi tàu hỏa
Trên chuyến tàu ngắn ngủi, mình cũng đã kịp trò chuyện với các anh chị phục vụ trên toa, tất cả đều hiện rõ sự vui tươi, hứng khởi với chuyến đi. Chị đẩy xe đồ ăn bán trên toa còn thổ lộ “giá mà tháng nào cũng có sự kiện như thế này thì vui lắm”
Từ ga Gia Lâm, đi bộ thêm khoảng 500m là tới Nhà máy xe lửa Gia Lâm – nơi diễn ra các triển lãm trưng bày và nhiều hoạt động chính của lễ hội.
Nhà máy xe lửa Gia Lâm có tuổi đời 120 năm, từ lâu đã đóng cửa gần hết các nhà xưởng do chính sách di dời các nhà máy ra xa thành phố. Đây là một cụm công trình kiến trúc công nghiệp điển hình, như bước từ sách giáo khoa ra vậy. Hồi còn sinh viên, môn học Kiến trúc công nghiệp là một trong những môn khó của bọn mình, chúng mình cũng có một đồ án thiết kế nhà máy. Nhưng về sau mình không theo chuyên ngành này nên ít có cơ hội tiếp cận công trình thực tế. Nhưng kiến trúc công nghiệp vẫn là một nội dung rất thú vị, có nhiều thứ để tìm hiểu và học hỏi thông qua những nhà xưởng tưởng như khô khan xấu xí.
Những cột kèo bằng thép, mái proximang, những ô cửa lấy sáng từ trên mái tạo nên những nhịp điệu đẹp đẽ, vẻ đẹp của kết cấu công nghiệp đã, đang và sẽ là chất liệu được khai thác và vận dụng nhiều cho kiến trúc dân dụng và cho cả nghệ thuật nói chung.
Khi bước chân vào nhà máy, khung cảnh cũ kĩ mở ra trước mắt, nhưng cũng không thể xóa nhòa được quy mô rất lớn của nhà máy, từng nhà xưởng chạy dài, những hàng cột thép cao bằng mấy tầng nhà, khổng lồ, những đường ray, bánh xe khi ở khoảng cách gần mới thấy nó to chừng nào. Những cột điện với hàng trụ sứ như thế này gần như không còn hiện diện trong đô thị hiện đại:
Tưởng tượng nơi đây đã từng nhộn nhịp đầu máy xe lửa vào ra, ánh sáng mỏ hàn chớp loé, tiếng cần trục vận hành, tiếng bánh xe chuyển động, tiếng máy phay máy cắt máy mài.. suốt ba ca.
Sau nhiều năm, không gian này nhộn nhịp một lần nữa, dưới một đời sống khác dù không dài nhưng rất thú vị, sáng tạo và tràn đầy sự sinh động của nhịp sống trẻ trung, nhưng vẫn có gì đó cứ dâng lên đến cổ và nghẹn lại. Có thể là một chút xót xa, một chút tiếc nuối, một chút không cam tâm.
Mình nghĩ là sau thành công của Lễ hội lần này, chắc chắn sẽ còn nhiều hoạt động nữa được tổ chức ở đây, nhà máy, không chỉ là một Di sản mà nó còn là một khoảng kí ức, rất nhiều kỉ niệm gắn bó với nhiều người. Những cô bác công nhân nhà máy khi tham gia các công tác hậu cần phục vụ triển lãm, mình thấy được trong mắt họ ánh lên sự tha thiết với nơi chốn này, có cái gì đó được đánh thức, phải chăng là tình cảm gắn bó với đất và người nơi đây.
Hành trình khép lại bằng chuyến tàu ngược về ga Hà Nội, nhìn những khung cảnh hàng ngày mình vẫn đi qua dưới một góc nhìn khác, lắng nghe list nhạc toàn những bài hát sâu lắng về Hà Nội. Cảm thấy tự hào và yêu thành phố của mình biết mấy. Khi gõ những dòng này thì cảm xúc đó lại ùa về làm mình hơi cay cay sống mũi.
Cảm ơn ban tổ chức, các bạn không chỉ thiết kế và vận hành lễ hội mà còn là những người đánh thức những kí ức ngủ quên, viết tiếp những trang mới cho hành trình di sản của thành phố. Lễ hội thiết kế sáng tạo năm nay thực sự là chuỗi sự kiện chất lượng, chuyên nghiệp và có rất có chiều sâu. Sự kiện cộng đồng tốt nhất mà mình được tham gia từ trước tới giờ.
Mình mong, và chờ được tham gia vào Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 ngay từ bây giờ.