Hôm nay là ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch, là ngày Tết Đoan Ngọ, tục gọi là ngày “diệt sâu bọ” với ý nghĩa quét sạch bệnh tật, mong cầu sức khỏe và bình an cho gia đình.

Vào ngày này, người xưa cũng có một tục lệ rất hay đó là tục khảo cây. Mình nhớ có lần mình cũng đã viết về tục khảo cây rồi thì phải. Đại ý là, những cây ăn quả mà trồng mãi không chịu ra trái, thì vào ngày 5-5, chủ nhà sẽ khảo cây như thể một bài chữa mẹo cho bệnh hiếm muộn vậy. Khảo cây thì cần 2 người, một người sẽ trèo lên cành, giả làm cái cây một người sẽ cầm cái roi hay cái dao, giả vờ đánh/chặt cây, vừa làm động tác đánh/chặt đó, vừa đe nẹt: cây kia! Năm sau mày có chịu ra quả không? Cây sẽ trả lời: Bẩm bà/ông, Có! Người dưới gốc lại hỏi “Thế mày ra bao nhiêu quả?”, người trên cây sẽ nói 20-30 hay bao nhiêu quả đó, tùy ý. Và thế là năm sau cây sẽ ra quả.

Với trẻ con thành phố, thì không phải bạn nhỏ nào cũng được trải nghiệm tục khảo cây này, thật may là nhà mình có cây mít, nên hôm nay bạn Miu đã được trải nghiệm việc đóng giả làm cái cây để khảo.

Sáng sớm, mới ngủ dậy, sau khi vệ sinh cá nhân và ăn một ít chè đậu đen để “giết sâu bọ”, bạn Miu theo mẹ ra gốc mít, ở đó, mẹ đã kê cho bạn 1 cái ghế để đứng lên cao, mẹ thì ngồi bệt dưới đất, nhưng mà mẹ không cầm roi hay dao gì cả, vì cây mít nhà mình ngoan lắm, không cần phải đánh đòn để ra trái đâu. Thay vì cầm roi, mình cầm điện thoại, chụp bạn Miu mấy kiểu.

Lúc đó bạn Miu cầm 1 chiếc lá to, ánh nắng sớm nhè nhẹ chiếu xuyên qua đám tóc tơ mỏng của bạn và tấm lá xanh thực sự rất đẹp và đáng yêu, mà sau đấy thì mình thấy tiếc ơi là tiếc vì đã không đem máy ảnh ra chụp.

Rồi mình hắng giọng để khảo mít, và vì cây mít nhà mình rất ngoan, nên mình không phải đánh gì cả mà chỉ ngồi cạnh: “chào míttttttttt” và hỏi:

-Mít ơi, năm sau mít sẽ ra bao nhiêu quả

Bạn Miu-Mít trả lời:

-Năm sau Mít sẽ ra 200 quả!!!

-200 quả cơ á! Nhiều thế! Cây mít nhớ giữ lời hứa nhaaaaaa

-Ok! (hẳn là Ok-mít nói cả tiếng Anh)

Thế là mẹ con mình đã hoàn thành nhiệm vụ khảo mít. Trong lúc giả làm cây mít, thì bạn Miu cầm cái lá che mặt như vầy, nhìn vừa buồn cười vừa đáng yêu. Mà khảo xong nghĩ cũng tội cây mít quá, năm nay ra 20 quả đã nheo nhóc như này rồi, năm sau 200 quả thì không biết làm nào nuôi lớn đây.

Trở lại với Tết Đoan Ngọ, ngày này, nhà nào cũng bày biện một mâm hoa quả, trước là thắp hương cúng tổ tiên ông bà, sau là thụ lộc, ăn để “diệt sâu bọ”

Những thức hoa quà bánh trái thường được sử dụng như: bánh gio, bánh khảo, cốm, xôi, quả mận, quả vải hoặc hoa quả địa phương, có thể cài thêm những loại hoa theo mùa, và không thể thiếu món rượu nếp. Rượu nếp ngòn ngọt, cay cay, ăn không hề bị say, nhưng ăn xong thì má đỏ và tâm trạng hưng phấn nhè nhẹ, rất thích.

Năm nay mình cũng bày một mâm với mấy thứ dễ mua, dễ làm: Vải, mận, xôi cốm, chè đậu đen,rượu nếp

Rượu nếp là món đặc biệt cho ngày này. Các thức khác có thể có hoặc không tùy năm, nhưng rượu nếp thì năm nào mình cũng có. Năm thì mình mua, năm thì mình được tặng, năm thì mẹ mình làm rồi cho mình một ít.

Món xôi cốm mình cũng rất thích, món này mình mua của bạn quen chứ mình không tự làm. Xôi dẻo, thơm, ngọt nhan nhát rất vừa miệng. Thích nhất là xôi gói trong lá sen vừa đẹp vừa thơm nữa.

Còn đây là phiên bản khác với cùng nội dung như mâm đồ trên, cũng là chè, rượu, mận, vải, xôi nhưng bày vào chiếc giỏ gỗ. Cái này chủ yếu phục vụ nhu cầu deco bày biện và chụp hình của mình thôi. Chứ mình bày từ sáng tới trưa là cũng xử lý hết đồ trong giỏ.

Chè đậu đen và rượu nếp được cho vào chai/lọ có nắp đậy cho khỏi ruồi muỗi kéo vào.

Vải đang mùa, nhiều, rẻ và rất ngon.

Và thứ không thể thiếu trong ngày này, đó là một bình sen thơm ngát trong nhà. Ảnh lọ hoa sen mình mới chụp trưa nay

Và đây là lọ sen của ngày hôm qua, bông hàm tiếu

Mình còn nhiều điều muốn viết, nhiều ảnh muốn khoe lắm, nhưng bạn Cún đã nấu xong bữa tối, và bạn vừa vào bảo mẹ đi tắm đi rồi ăn cơm. Nên là mình dừng ở đây đã nhé.