Ưm, thực ra, mình định viết bài này khá lâu rồi, nhưng mà lười ghê, thêm em Xuân Huỳnh đề nghị mới có thêm động lực để viết.

Mình thì không phải dân ảnh chuyên nghiệp, chụp đồ ăn cũng còn nhiều vấn đề chưa tốt. Có rất nhiều bạn chụp ảnh đẹp hơn mình. Nhưng mình vẫn muốn viết để chia sẻ với các bạn mới bước chân vào lĩnh vực chụp ảnh nói chung và chụp ảnh đồ ăn nói riêng.

Hiện mình đang sử dụng máy ảnh Canon kiss x4 (550D) Mình đã mua máy được 2 năm, chụp rất rất nhiều ảnh rồi, nhưng mà vẫn chưa khai thác được hết các tính năng của máy. Thế nên những chia sẻ sau đây của mình chắc chắn là chưa đầy đủ. Mong nhận được thêm các ý kiến đóng góp của các bạn.
Đây là hình ảnh của chiếc máy ảnh mình dùng – hình được lấy từ Ineternet

Trước khi đi vào chi tiết, mình xin giới thiệu bài viết mà mình đã đọc khi mới bắt đầu chụp ảnh. Mình không đủ kiên nhẫn để nghiên cứu chuyên sâu, nên bài viết đơn giản này đã giúp mình có được những khái niệm ban đầu, sau đó, mình cứ chụp nhiều và tự mày mò thôi, chứ đọc tài liệu nhiếp ảnh là mình nản. :p
http://xomnhiepanh.com/?mod=story&act=detail&id=276

Sau khi đã đọc bài viết đó, thì giờ mình sẽ chia sẻ vài kinh nghiệm cá nhân của mình

1. Vấn đề bố cục

Mình đã đọc bài này: http://vnreview.vn/tu-van-anh-so/-/view_content/content/400181/10-quy-tac-ve-bo-cuc-trong-nhiep-anh

Sau đó thực hành nhiều đối với đồ ăn và chân dung con gái 😀 Mình hay sử dụng bố cục 1/3 với điểm lấy nét nằm ở góc bên trái/phải (trên hoặc dưới)

Có đôi khi, mình bấm máy mà chưa kịp chỉnh điểm lấy nét về 1/3 mà nó lại đang ở giữa, thôi thì mình cứ chụp, rồi sau đó dùng phần mềm sửa ảnh để crop lại cho đúng bố cục 1/3. Tuy nhiên, nếu chỉnh được ngay từ đầu thì tỉ lệ ảnh đẹp sẽ nhiều hơn, việc crop chỉ là việc bất đắc dĩ thôi.

Bức ảnh dưới đây, mình lấy nét 1/3 bên dưới khuôn hình dọc. Mình sử dụng chế độ lấy nét tự đông (AF) vì mình lấy nét bằng tay không được. Trên màn hình lấy nét của máy có sẵn 9 điểm lấy nét, và việc của mình chỉ là chọn 1 điểm lấy nét thích hợp, ngắm, nhấn-giữ 1/2 nút chụp để bắt điểm lấy nét cho đúng và BẤM xoạch. Vậy thôi.

IMG_0199

2. Vấn đề ánh sáng:

Ánh sáng rất quan trọng để cho ra bức ảnh đẹp. Mình thích chụp với ánh sáng tự nhiên.

Bức ảnh này mình chụp với ánh sáng tự nhiên, bàn kê ra sát cửa. Mình chụp từ trong ra và chếch 45 độ so với hướng chiếu sáng. Thông số của bức ảnh là: f/3.2 – tốc độ 1/30 – iso: 400

Bức ảnh này mình chụp trên bàn bếp, có cửa sổ hướng 2h so với vị trí đứng chụp. Thông số: f: 3.2 – tốc độ: 1/100 – iso: 200

IMG_7327

Vào buổi tối, mình phải bật hết các đèn mới có thể chụp được và phải đặt iso khá cao (800-1600)
Việc đặt iso cao có một mặt trái là ảnh bị nhiễu, không mượt mà. Nhưng khi mà ánh sáng yếu và không sử dụng chân máy, thì mình chỉ biết làm mỗi cách đó. Chị em phụ nữ cầm máy cũng không được vững, nên khó lòng chụp được tốc độ chậm. Thường mình chỉ chụp được ở tốc độ 1/30 là cùng thôi.

Với điều kiện bếp nhà mình có rất nhiều ánh sáng (1 đèn tuyp 60w + 3 đèn vàng 60w) thì mình thường đặt iso lên đến 800, các thông số khác sẽ tùy theo điều kiện cụ thể.

Bức ảnh này là một ví dụ chụp buổi tối. Thông số:
Exposure 0.013 sec (1/80)
Aperture f/3.2
ISO Speed 800

Bức ảnh này là ví dụ tiếp theo:
Exposure (1/60)
Aperture f/3.2
ISO Speed 800

Có thể thấy mức tiêu cự mình hay đặt là 3.2 Vì đây là mức mà mình thấy ổn nhất với ống kính và điều kiện chụp của mình. Về nguyên tắc: Giá trị f càng nhỏ thì khả năng xóa phông càng cao. Nhưng cũng dễ bị out nét và ảnh bị mờ quá do phạm vi lấy nét nhỏ. Trong điều kiện thiếu sáng, có thể giảm thêm trị số f này, nhưng cũng không nên giảm xuống dưới 2.0


3. Sử dụng các chế độ có sẵn của máy

Các bạn vào link này để đọc hướng dẫn sử dụng máy nhé, rất đầy đủ và dễ hiểu: http://www.mayanhjp.com/ImgUpload/2013/Canon-550D-p1.PDF

Cá nhân mình thì không sử dụng hết các chế độ của máy. Mình thường chụp chế độ Manual (M) và mình chọn các thông số AWB (cân bằng trắng) có sẵn trên máy, chứ mình cũng ko biết thiết lập cân bằng trắng như nào. Nôm na là khi mình chụp dưới ánh đèn, buổi tối mình chọn cân bằng trắng tự động. Còn khi chụp ban ngày, ánh sáng tự nhiên thì mình chọn cân bằng trắng với ánh sáng mặt trời (có hình vẽ mặt trời) ngoài ra còn các chế độ chụp khi trời nhiều mây, chụp trong bóng râm, chụp với ánh đèn huỳnh quang v.v…các bạn cứ thử nhé.

4. Vấn đề set up chủ thể

Khi sa chân vào con đường nấu-chụp, tự nhiên nhu cầu sắm sanh bát đĩa, dao thìa tăng cao kinh khủng, lúc nào cũng muốn có bát đĩa MỚI để chụp hình, mệt ghê. Mình phải rất kiềm chế, và cố gắng tận dụng những đồ có sẵn để chụp, nếu không nhà mình chắc phải xây cái kho thật to mới đủ sức chứa đồ.

Mình thích chụp đĩa đồ ăn là chính, nên những thứ phụ kiện không nhiều, lúc thì là cái thìa, lúc là lọ gia vị, vài nguyên liệu nấu hay 1-2 bô
ng hoa làm duyên, vậy thôi. Mình không có bí quyết gì trong vụ này, cứ bày tới bày lui, chụp – xem lại, không ưng thì lại dịch chuyển chỗ này chỗ khác. Tóm lại là phải chụp nhiều.

5. Yếu tố tâm lý:

Thêm nữa là nấu đồ ăn để chụp thì cần nhất là ngon mắt, chụp sao cho người ta nhìn vào là thấy muốn ăn, vậy là thành công rồi. Chứ còn các yếu tố mang tính "nghệ thuật" mình không quá coi trọng đâu. Cứ chụp sao cho mình ưng mắt là được. Các yếu tố kĩ thuật này khác với mình không quan trọng bằng yếu tố tâm lý. Khi bản thân mình thấy đĩa đồ ăn đẹp và hấp dẫn, thì mình mới chụp ra cái ảnh đẹp được. Chứ bản thân mình còn chưa ưng thì sao có thể chụp cho đẹp. Và khi mà mình thấy tự tin, thì tỉ lệ ảnh đẹp cũng tăng lên theo. Vậy nên, kinh nghiệm của mình là "cứ vô tư đi" nấu, chụp bằng cảm nhận của trái tim và các giác quan chứ đừng dùng lí trý để đánh giá. (Giời ạ, các nhà phê bình nhiếp ảnh mà đọc đoạn này chắc cắn lưỡi quá)

Chúc các bạn nấu ngon, chụp đẹp nhé.