Hà Nội – bánh khúc bán quanh năm, và có vẻ như “mùa” của bánh khúc là khi tiết trời sang đông chứ không phải tiết xuân ấm áp của những ngày tháng Ba. Trời lạnh, người ta thích cầm chiếc bánh nóng hổi, hít hà mùi thơm của xôi nếp, của đậu xanh, của hạt tiêu, rồi cảm nhận cái dẻo dai của gạo, bùi thơm của đậu, ngậy béo của thịt mỡ… Chỉ duy nhất có mùi lá khúc là rất mơ hồ. Những chiếc bánh mua ngoài hàng, có thương hiệu được nhiều người yêu mến, với mình vẫn thiếu vị lá khúc.
Những năm trước, mình vẫn đi lấy lá khúc vào khoảng tháng 2 âm lịch. Khi đó, nhờ mưa xuân mà rau khúc lên mơn mởn trên những thửa ruộng chưa vào vụ mới. Nên mình tha hồ mà hái. Có hôm lèn chặt cả một bao tải to rau khúc, về nhà nhặt, rửa, xay rồi cấp đông dùng dần.
Năm nay, mình cứ lần nữa mãi, để mùa rau khúc trôi qua. Tết xong, khi thấy mưa xuân, là mình đã nghĩ “hôm nào phải đi hái lá khúc mới được” nghĩ vậy, nhưng cả tháng Giêng trôi qua, mình vẫn nghĩ là rau khúc giờ mọc đầy ý mà, không việc gì phải vội. Và cứ thế, thỉnh thoảng mình lại nhớ ra  “hôm nào phải đi hái lá khúc mới được” hết Giêng, hết Hai, và tháng Ba sầm sập đến, và mình cuống cuồng bởi cái thời tiết, khi đã nóng lên là rau khúc sẽ rạc, hơn nữa, người nông dân sẽ làm cỏ, cày cuốc để gieo trồng vụ mới… và rau khúc sẽ biến mất, không còn gì cho mình hái nữa.
Đã định để trôi qua một mùa rau khúc không làm bánh, nhưng cuối cùng lại không thể. Mình lại ra đồng tìm lá khúc, lại kì cục đun đun nấu nấu. Thực sự, chỉ khi ngửi mùi khúc hấp trong nồi, mình mới thấy yên ổn trong lòng, còn không, chắc mình cứ nghĩ hoài về nó cho đến mùa khúc sang năm mất.

Cũng phải nói thêm rằng, thực ra mình cũng không đủ quyết tâm để đi lấy lá khúc một mình đâu, nhưng thật may vì mình có một đứa bạn mê bánh khúc y như mình vậy, mình rủ một cái là nó đồng ý đi ngay. Lại còn cầm theo cả cái bao tải to tướng nữa chứ.
Thế là buổi trưa giữa tuần, hẹn hò nhau đi lấy lá khúc. Vẫn tập kết tại địa điểm năm ngoái từng thu hoạch rau khúc: Bãi giữa sông Hồng. Năm ngoái, bọn mình thu hoạch rau khúc ở đây đến ba bốn lượt ấy, nhiều vô số kể. Nhưng năm nay đi muộn quá, tìm mãi mới được một vạt rau khúc đã già, hoa đã khô và gió thổi bay khắp nơi. Việc thu hoạch tốn nhiều công sức hơn. Vậy mà hai đứa cứ hì hụi, vừa đi vừa nhặt suốt mấy tiếng đồng hồ. Móng tay két bẩn nhựa rau trộn lẫn bùn đất. Rồi ngứa điên hết cả người vì các loại phấn hoa, phấn côn trùng trong không khí.
Cuối cùng, cảm giác như mình đã vặt đến cây khúc cuối cùng trên đời rồi, hai đứa hỉ hả chia nhau chiến lợi phẩm. Về đến nhà là phi ngay đi TẮM – ngứa kinh khủng í.
Rồi, vậy là đã có nguyên liệu chính. Thêm một ngày ngâm gạo, thổi đậu, rửa rau… kể ra làm được chiếc bánh khúc cũng khá vất vả, vì nhiều công đoạn.
***  Cách làm Bánh khúc

Buổi tối làm bánh khúc, con gái cũng đòi được làm cùng, vẫn như mọi khi, mình để con làm những công đoạn vừa sức – cũng như ngày nhỏ, mình đòi bà nội cho mình làm bánh cùng. Mình không thể quên món bánh khúc của bà, nó rất có ý nghĩa với mình. Bởi vậy, mỗi lần làm bánh khúc, là một lần hoài niệm về tuổi thơ và về bà nội.
Đầu bếp nhí nhà mình đang làm bánh khúc đây, hai năm trước, con cũng đã được làm bánh khúc với mẹ rồi, khi đó con gọi là “Bánh Húc” với cái giọng ngọng ngịu đáng yêu kinh lên được. Giờ thì con đã có thể phát âm chuẩn Bánh Khúc và đã có thể nặn được những viên bánh xinh mà không cần mẹ phải hỗ trợ nhiều nữa.

Buổi tối kết thúc bằng mùi khúc thơm nồng trong bếp, bằng bữa khuya nóng hổi với viên khúc xanh đen tròn xoe bọc xôi trắng căng mọng vừa bới trong xửng ra.

Thành quả quá đỗi ngọt ngào, thật bõ công làm lụng  và  sang năm mình sẽ không để lỡ mùa khúc. Sẽ đi hái khúc từ lúc đầu mùa. Nhé!
Bonus: Vì có bạn đề nghị được xem hình ảnh cây khúc nên mình bới lại đống ảnh cũ để post lên. Đây là hình ảnh nhận diện hai loại rau khúc nhé