Câu chuyện hơi bị dài dòng, lê thê đấy nhé.
I. BẮT ĐẦU
Một chiều nọ, mẹ đi đón bạn Cún ở trường về rồi hai mẹ con đi chợ. Sau khi mua mớ rau 4k, bà bán rau trả lại tiền thừa 1k, mẹ đưa cho bạn Cún và bảo:
– Mẹ cho con 1 nghìn này.
– Thế 1 nghìn thì mua được gì hả mẹ?
– Ờ, mua được 1 ít hành, hoặc 1 cái kẹo mút, hoặc 1 gói bim bim bé.
– Thế có mua được đồ chơi không mẹ?
– Đồ chơi thì khó, phải có nhiều tiền hơn mới mua được.
– Thế con làm gì với 1 nghìn này bây giờ?
– Tùy con, mẹ cho con rồi nên con muốn làm gì cũng được, hay mua bim bim nhé.
– Nhưng con thích mua đồ chơi cơ
– Thế thì con cất đi, nhét vào lợn ý, khi nào có nhiều tiền thì mua đồ chơi.
Bạn hơi ỉu ỉu, chắc đang nghĩ không biết đến bao giờ đủ tiền mua đồ chơi. Mẹ bạn nảy ra một ý
– Thế con có muốn kiếm thêm tiền để nhanh mua được đồ chơi không?
– Có, kiếm tiền như nào mẹ?
– Nếu con làm việc nhà chăm chỉ và không mắc lỗi gì, mỗi ngày mẹ sẽ cho con 10 nghìn.
– Không, con không thích 10 nghìn, con thích 8 nghìn cơ. (:v)
Thế là mẹ bạn lại phải giải thích rằng, trong các số từ 1 đến 10 thì số nào cũng nhỏ hơn 10 cả, nên 8 nghìn là ít hơn 10 nghìn đấy. Bạn có muốn lấy 8 nghìn không, thế là bạn đồng ý với mức giá 10 nghìn. (Mẹ bạn thì bất chợt lo lắng 10 nghìn là quá nhiều)
Tối hôm đó, mẹ thông báo với cả nhà là từ mai bạn Cún sẽ lao động để kiếm tiền. Đề nghị cả nhà tạo điều kiện cho bạn. Sau đó, mẹ và bạn thống nhất các việc làm sẽ “ra tiền” và những việc gì “không ra tiền”
Đầu tiên, các việc liên quan đến cá nhân bạn: vệ sinh cá nhân, ăn uống, đi học, chào hỏi, lễ độ, không lèo nhèo nhõng nhẽo… là những việc hiển nhiên bạn phải làm. Những việc này không “ra tiền” nhưng nếu bạn mắc lỗi ở đây, thì sẽ bị “trừ tiền” công của bạn trong một ngày.
Sau đó, mẹ hỏi bạn tự thấy có thể làm được việc gì để xứng với tiền công 10 nghìn một ngày. Bạn liệt kê:
– Gấp chăn, xếp gọn giường
– Quét sân
– Tưới cây
– Đổ rác và thay túi rác mới vào sọt
– Gấp quần áo
Mẹ nhẩm tính có 5 đầu việc, tính bình quân 1 đầu việc bạn được 2 nghìn. Bước đầu cứ thử xem sao. Nên mẹ đồng ý và giao kèo với bạn sẽ bắt đầu lao động từ hôm sau.
II. LAO ĐỘNG THÔI

Những ngày đầu, bạn vô cùng hào hứng, làm việc với một thái độ hăng say hết sức. Sáng dậy là bạn gấp chăn, xếp gối, sau đó vệ sinh cá nhân rồi ra vườn tưới cây, quét sân. Xong đâu đấy bạn mới ăn sáng. Chiều đi học về, bạn đổ rác và gấp quần áo. Tối tối, sau khi ăn cơm, cả nhà lại ngồi họp để tổng kết xem ngày hôm đó bạn làm được bao nhiêu việc và sẽ nhận được mấy nghìn tiền lương. Cũng có hôm bạn không làm hết được 5/5 việc mà chỉ được 2-3 việc thôi, tất nhiên, số tiền bạn nhận được thì tính theo đầu việc, nên không phải hôm nào bạn cũng được trọn vẹn 10 nghìn.
Có những hôm, thay vì quét sân hay tưới cây thì bạn nhận việc rửa bát, hoặc vo gạo, cắm nồi cơm, giúp mẹ dọn bàn ăn 🙂

Nhưng với bạn, bao nhiêu tiền không quan trọng, bằng việc được nhận bao nhiêu tờ 😀 nên hôm bạn được 6 nghìn bạn mừng hơn được 10 nghìn. Vì thế, khi đi chợ, mẹ không tìm cách tiêu hết các tờ tiền lẻ như mọi khi nữa, mà giữ lại để tối trả lương cho bạn.
III. CON LÀM MỌI VIỆC VÌ TIỀN?

Nói về việc trả tiền cho con để làm việc nhà, mẹ nàng cũng vấp phải vài ý kiến phản đối. Đặc biệt là cảnh báo: “Cẩn thận không sau này ốm nằm đấy, sai nó đi mua cho bát cháo nó cũng đòi tiền công” Mẹ nàng cũng chỉ cười thôi
Bởi vấn đề nào cũng có hai mặt: tích cực và tiêu cực và giữa hai mặt đó luôn có ranh giới. Điều quan trọng là giúp con trẻ định hình được đâu là ranh giới. Mẹ nàng cũng không dám khẳng định một cách tuyệt đối cách này hoặc cách kia là hay, là tốt. Vì có những thứ, với đứa trẻ này thì hiệu quả, với đứa trẻ khác lại không.
Thế nên, mỗi đứa trẻ là một cá thể độc lập, và Mẹ hiểu con mình nhất. Việc giáo dục những đứa trẻ không bao giờ có một khuôn mẫu chuẩn chung cho tất cả.
Trở lại với việc “trả tiền” mẹ nàng cũng đã được trải nghiệm tình huống “ốm nằm đấy…”
Một hôm, mẹ nàng cảm thấy mệt và có dấu hiệu bị viêm họng, nên mẹ lên giường, đắp chăn nằm rên rẩm. Nàng chạy lại, ôm mẹ khóc lóc này nọ một hồi như thể mẹ bệnh nặng lắm. Xong nàng bảo “Để con pha xi-rô cho mẹ uống nhé, phải uống xi-rô mới khỏi ốm được mẹ ạ” Thế là mẹ nàng đề nghị nàng pha 2 cốc rồi hai mẹ con cùng uống.
Nàng chạy ra bếp, bắc ghế rồi pha xi-rô, rón rén cầm 2 cái cốc mang vào tận giường. Uống xong, nàng ra bếp rồi lại rón rén đem vào 2 cốc nước lọc, lại uống. Nàng cất cốc xong thì vào giường ôm mẹ thủ thỉ “Mẹ ơi, thế con pha xi-rô cho mẹ thì có…được tiền không?”
Mẹ nàng đã lường trước tình huống này rồi, nên thơm nàng một cái rồi tâm sự với nàng. Rằng là người trong một nhà thì yêu thương, chăm sóc cho nhau là điều hiển nhiên, và không ai đòi tiền công cả. Lúc con ốm, mẹ chăm sóc con, cho con uống thuốc, xúc cho con ăn, mẹ có đòi trả công không nào? Mẹ làm cho con nhiều việc khác nữa, vì mẹ yêu con chứ không phải vì mẹ muốn được trả công. Thế con lấy xi-rô cho mẹ uống, vì muốn mẹ nhanh khỏi ốm, hay là muốn được trả tiền nào?
Nàng bảo: “Con muốn mẹ nhanh khỏi ốm! Nhưng con cũng muốn được trả tiền nữa” Mẹ bảo: “Nếu con muốn mẹ trả tiền vì đã chăm sóc mẹ, thì mẹ sẽ rất buồn, mẹ sẽ không nhờ con giúp nữa, mẹ sẽ tự làm hoặc mẹ sẽ nhờ bố, vì bố không đòi mẹ trả tiền như thế” Nàng òa lên khóc! Nàng bảo “Con muốn mẹ nhanh khỏi để trả tiền cho con mà, con muốn nhiều tiền để mua đồ chơi huhu…”
À, có vẻ là mẹ đã hiểu nhầm ý của bạn, nên hỏi lại “Thế con có đòi mẹ trả tiền vì đã pha xi-rô cho mẹ uống nữa không?” Bạn bảo “Không, con không đòi tiền pha xi-rô đâu, con yêu mẹ. Nhưng mẹ ốm thì làm sao trả tiền cho con được” đoạn này thì mẹ hiểu ý bạn rồi. Ai bảo bạn diễn đạt không rõ nghĩa cơ. Và mẹ hiểu là bạn sợ mẹ ốm thì không có ai trả lương cho bạn làm việc nhà.
Vậy là mẹ bảo: ừ, mẹ biết rồi, sáng mai ngủ dậy mẹ sẽ hết ốm thôi, và nếu con làm việc chăm chỉ thì mẹ sẽ trả tiền cho con bình thường.
Rồi, thế là lại thơm nhau, ôm nhau rồi thủ thỉ cho đến lúc ngủ
IV. LẦN MỔ LỢN ĐẦU TIÊN

Sau 15 ngày lao động kiếm tiền, bạn Cún đã được mẹ đồng ý cho mổ lợn đất.
Mặc dù mục tiêu của mẹ bạn là phải sau 1 tháng mới mổ lợn lần đầu tiên. Nhưng vì mấy hôm đó thấy bạn có biểu hiện chán làm việc, không còn hăng hái như những ngày đầu. 4 ngày liên tiếp bạn không hoàn thành được 5/5 việc mà chỉ được 2-3 việc thôi. Sáng hôm mổ lợn bạn lại còn tuyên bố là “Con không làm việc nữa, con không cần lĩnh lương!”
Thế nên mẹ phải nghĩ rằng nếu giờ mổ lợn, bạn được nhìn thấy số tiền mình làm ra, và được mua một món đồ yêu thích bằng tiền đó, thì bạn sẽ hăng hái làm việc trở lại.

Khỏi phải nói, lúc bố bạn đập vỡ con lợn đất, tiền đổ ra tung tóe (toàn tiền lẻ mà) bạn sướng run lên. Rồi bạn ngồi đếm tiền nhiều quá bạn không đếm xuể phải nhờ mẹ đếm hộ.

Vậy là sau 15 ngày làm việc, số tiền bạn kiếm được là 114.000đ. Mẹ đếm xong thì đưa cho bạn bảo bạn có thể đem tiền này đi mua đồ chơi được rồi. Nhưng trước khi mua đồ chơi, thì phải mua 1 con lợn khác thế vào con lợn đất đã vỡ.
Rồi bố bạn chở bạn ra hàng đồ chơi. Lúc sau đã thấy tiếng bạn reo từ ngoài ngõ với món đồ mới mua Rồi thì bạn hăng hái xách rác đi đổ. Ăn cơm xong thì bạn gấp hết đống quần áo khá to của cả nhà.
Vậy là bạn đã tự mua được món đồ chơi đầu tiên bằng chính sức lao động của mình. Mục tiêu tiếp theo mà mẹ bạn hướng tới, là bạn dùng số tiền kiếm được vào việc có ý nghĩa hơn là tự mua đồ chơi cho chính mình
V. MÓN QUÀ CỦA CON

Bạn hứa hẹn là đến Noel sẽ mổ lợn để lấy tiền mua quà cho bố mẹ. Nên tối thứ 7 vừa rồi, bố bạn đã giúp bạn vặn mũi con lợn nhựa (thực chất là cái nắp) để bạn moi tiền ra. Vậy là lần này bạn không phải chi tiền để mua lại 1 con lợn khác.
Mổ lợn xong thì bạn đếm tiền từ lúc đó đến lúc đi ngủ.
Sáng dậy một cái là mở tủ lấy tiền ra đếm. Đếm độ 20 lượt thì đi đánh răng, đánh răng xong lại ngồi đếm thêm khoảng 20 lượt nữa rồi mới ăn sáng. Ăn sáng xong lại ngồi đếm. Hết ngồi đếm bên cửa sổ lại ra bàn ăn đếm, rồi ôm tiền vào giường nằm đếm tiếp.
Lần này, tiền công lao động của nàng được 87.000đ. Mẹ chờ mãi không thấy bạn nhắc nhở gì đến việc đi mua quà cho bố mẹ, nghĩ bụng chắc là bạn quên rồi.
Nhưng hóa ra bạn không quên. Sau khi đếm tiền chán chê, bạn giục mẹ chở đi mua quà Noel. Từ nhà bạn đã giao hẹn với mẹ là: Con sẽ mua đồ làm bánh tặng mẹ để mẹ làm bánh cho con ăn. Còn bố thì con sẽ mua 1 chiếc tất, vì một chiếc tất của bố bị thủng hở ngón chân rồi
Rồi bạn nhét toàn bộ số tiền đút lợn vào ví, ôm khư khư trước bụng và lên đường đi mua quà với mẹ.

Ở hàng bán đồ làm bánh, món đồ nào bạn cũng thích. Nhưng món nào cũng kèm câu hỏi “Cái này có đắt không mẹ?” Cuối cùng, bạn mua cho mẹ 2 cái cookie cutter hình cỏ ba lá và hình mặt mèo (đấy là hai hình nàng thích và vì mẹ bảo cái này rẻ)
Ra quầy thanh toán, bạn xòe tập tiền của mình ra với vẻ mặt in hai chữ TỰ HÀO to tướng, nhân thể thuyết minh cho cô thu ngân tiền này là tiền lương của con đấy, con đi mua quà GS cho mẹ con.
Mẹ bạn đứng bên cạnh thì mặt in chữ HÃNH DIỆN to tướng, mắt tự nhiên ngập nước (rõ là xấu hổ) – ngay cả lúc đang gõ những dòng này thì mắt mẹ cũng lại…
Cô thu ngân cũng rất dễ thương, hỏi thăm con làm được việc gì, rồi khen con giỏi nữa. Rồi cô ý cầm cả tập tiền con đưa, đếm đúng số tiền của 2 cái cutter sau đó trả lại cho con phần thừa. Con bảo: “Mẹ ơi, con vẫn còn nhiều tiền lắm”
Tình huống lặp lại gần như vậy ở cửa hàng quần áo – nơi con mua tất để tặng bố
Về nhà, hai mẹ con gói quà, con bảo:
– Con sẽ không nói cho bố biết quà của bố là gì đâu.
– Ừ, phải bí mật nhé.
– Mẹ cũng phải không biết quà của mẹ là gì cơ.
– Ơ, thế quà của mẹ là gì thế?
– Bí mật, con không nói cho mẹ biết đâu.
Lúc sau, chi Mia sang chơi. Nàng khoe:
– Nhà em có nhiều quà chưa. Đây là quà của em, đây là quà của bố em, đây là quà của mẹ em.
– Thế trong này là gì?
– Trong này là BÍ MẬT, em không nói đâu.
– Thế Cún cũng không biết à?
– Em có biết mà, nhưng bí mật, em không nói cho bố em biết quà là bít tất đâu, còn quà của mẹ em là cái để làm bánh í.
Bố mẹ nghe chúng nó nói chuyện thì phải ra bếp cười vụng không sợ lộ BÍ MẬT của nàng.
Bố nàng bảo: chắc phải cất đôi tất này đi đến khi nào bà nàng lấy chồng mới dám đem ra dùng 🙂