Mùa hè đến, những bữa cơm trong thời tiết oi nồng sẽ ngon miệng hơn khi có thêm vài quả cà muối. Một món ăn đơn sơ, giản dị, nhưng lại đậm chất Việt, đến nỗi ai đi xa cũng nhớ cơm với cà chứ chẳng nhớ những cao lương mỹ vị bao giờ.
Cà muối rất hợp ăn cùng canh cua nấu rau như rau ngót, hay rau mùng tơi, rau đay, mướp. Thêm mấy miếng đậu phụ rán thì tuyệt vời! Cà muối ăn kèm cháo đậu xanh cũng rất ngon. Buổi trưa đi nắng về, được bát cháo nguội ăn kèm với cà muối, chỉ vậy thôi mà sao ngon. Chứ nghĩ đến cơm trong tiết trời nóng nực là đã không muốn ăn rồi. Vậy đấy, chỉ cần mấy quả cà!
Chuẩn bị:
Có hai loại cà dùng để muối đó là CÀ BÁT và CÀ PHÁO.
Cà bát – còn gọi là cà dừa, từng quả to cỡ cái bát nước chấm. Nếu muối cả quả thì phải 30 ngày hoặc hơn cà mới “chín” và có thể ăn dè trong nửa năm mà không sợ hỏng – như kiểu su hào muối cả củ vậy. Nhưng thường mùa hè thì người ta hay muối sổi: bổ cà ra thành miếng cau, xóc thêm tí muối, vài nhánh tỏi, lát ớt, để từ sáng đến chiều là ăn được.
Đây là món cà bát muối sổi:
Cà pháo:
Những quả cà pháo nhỏ như ngón tay cái, cỡ như quả táo ta. Có thể muối cả quả, hoặc bổ đôi để muối sổi giống cà bát. Cà pháo thường có 3 loại: màu trắng, màu tím, màu xanh. Cà trắng và tím khi muối chua thì chuyển hết sang màu trắng, ăn rất giòn, nhưng nhiều hạt. Cà xanh khi muối chua thì lại ngả màu vàng, độ giòn thì không bằng cà trắng, nhưng lại dầy cùi, ít hạt.
Một cảnh báo mà dân gian truyền lại đó là ăn cà thì không tốt cho sức khỏe, dễ khiến đau nhức xương. Mình thực không biết điều này đúng đến đâu, nhưng vì ăn cà rất ngon nên thật khó để kiêng món này ^^
Ngoài cà ra,cần chuẩn bị thêm muối hạt, vài nhánh tỏi, vài lát giềng. Không có tỏi và giềng, thì cà vẫn muối chua được thôi nên hai thứ này là không bắt buộc, nhưng nếu có thì sẽ làm quả cà trắng, không bị thâm và mùi vị cũng ngon hơn.
Cách muối:
– Cà mua về, cắt núm, rửa sạch, ngâm nước muối loãng.
– Đun nước với muối – nếm thử độ mặn của nước muối này bằng độ mặn khi nấu canh là được. Để nguội. Hoặc cũng có thể hòa muối trực tiếp vào nước lọc (đã đun sôi – để nguội) cũng được.
– Xếp cà vào lọ sạch, thêm tỏi, giềng nếu có.
– Rót nước muối vào. Khi rót nước vào, cà sẽ nổi lên trên, để cà chín thì phải được ngập trong nước. Nên cần phải có thứ gì đó để dìm cho cà chìm xuống.
Có thể dùng hộp muối dưa cà chuyên dụng để muối, sẽ có bộ phận dạng pit-tông để nén cà. Cách khác là dùng một tấm phên tre, đặt lên mặt, sau đó dùng 1 quả nặng đè lên trên. Ngày trước, bà mình muối cà thì dùng 1 quả nặng – bà gọi là quả nén. Quả nén được làm bằng đá, đẽo như hình quả chuông, phía trên có tai để làm chỗ cầm tay. Giờ mình không có quả nén, nên giản tiện bằng cách lấy một túi nilon, đổ nước vào một nửa, buộc miệng túi lại và chặn lên trên hũ cà. Vậy là cà được dìm trong nước. Chờ 4 đến 5 ngày là ăn được rồi.
Và khi cà chín thì ăn với canh cua là hợp nhất đó, còn mình thì thích ăn cà muối với nước rau dền luộc ^^
Cà muối sổi: 1 ngày là ăn được rồi
Cà muối cả quả thì 4 đến 5 ngày nhé
Trong mâm cơm ^^
Với canh cua:
Với canh rau dền đỏ luộc – mình rất thích!
Originally posted by phuongminhng:
Cảm ơn em!Originally posted by trantuyetmai76:
Trùi ui! Em nhai cà trong miệng mà nó cứ kêu rôm rốp rôm rốp ý. Phê!
😀
yummy, nhìn chảy nước miếng ….chị khoái cắn cà, nó ra cái bụp hí hí…
Ngon quá chị ơi!
😀 vâng chị ạ! Em thích món này lắm!
ăn cà với canh hoặc cà muối xổi ngon hén em