Ngày học cấp 1, từ năm lớp 3 là mình ở trong đội tuyển Văn của trường, thế nên mỗi tuần 1 buổi được trường cử đi học lớp bồi dưỡng Văn ở phòng giáo dục huyện.
Ngày đó mình được học những gì, thầy cô là ai, bạn học thế nào thì đến giờ mình không còn nhớ. Nhưng mình lại ghi nhớ sâu sắc chiếc bánh mì ở chợ Thị trấn. Nó là bánh mì kẹp thịt kho tàu, những miếng thịt gần như chỉ có mỡ và được thái rất mỏng có màu nâu đỏ hấp dẫn của nước hàng, rim trong một chiếc xoong con bắc trên bếp than. Miếng thịt nhiều mỡ béo ngậy đậm đà, kẹp trong bánh mì vừa giòn vừa mềm thơm mùi bột, lại rưới thêm 1 thìa nước thịt kho nâu sánh, nó quả thực là thức quà vô cùng đặc biệt, ghi dấu mãi trong kí ức tuổi thơ của mình.
Quầy bánh mì chỉ là một khoanh nhỏ vừa bằng cái bàn uống nước, bác bán bánh ngồi khép nép trên một cái ghế con rất thấp, bên cạnh kê một chiếc ghế cao hơn chút, đặt cái thớt là nơi bác chế biến ra những chiếc bánh mì kẹp thịt. Trái tim của quầy bánh chính là chiếc thùng tôn vừa có tác dụng chắn gió, vừa kiêm luôn cái chạn đựng bánh lẫn cái lò nướng làm bánh nóng giòn. Đó là một chiếc thùng chuyên dụng, được gia công riêng cho quầy bánh mì, nó có một mặt phẳng bên trên và ba vách đứng hàn lại với nhau, dựng ôm lấy cái bếp than trong lòng. Trên nóc thùng là rổ bánh mì đầy ắp, những chiếc bánh sẽ được nhấc từ rổ xuống, cho vào trong thùng, đặt gác trên cái giá làm từ mấy que sắt hàn để làm nóng chờ tới lượt được bán đi, ngay bên dưới ngăn bánh là nồi thịt kho đặt trên bếp than tổ ong hồng rực. Cứ khi ngăn bánh trong thùng vơi đi, bác bán hàng lại lấy thêm vài chiếc trên rổ đặt vào, cứ thế cứ thế cho đến khi bánh trong rổ hết nhẵn là bác dọn hàng về nghỉ.
Mỗi khi bác bán hàng xẻ bánh mì, mình nghe tiếng vỏ bánh kêu rột rột và vụn bánh rơi ra lấm tấm trên mặt chiếc thớt gỗ, rồi bác tách hai nửa, ruột bánh hiện ra trắng phau phau mềm xốp, tay bác thoăn thoắt xúc một thìa cả thịt và nước, quệt một đường trong lòng bánh, gập bánh lại vậy là xong. Tới tận bây giờ đó vẫn là chiếc bánh mì ngon nhất mà mình được ăn trong đời. Cắn một miếng bánh giòn rụm, thấm đẫm vị đậm đà ngậy béo của thịt mỡ cùng với mùi thơm của bột mì, cảm giác như mình đang được cắn một miếng hạnh phúc, sung sướng biết bao. Sự ngon ấy được khắc sâu trong tâm trí mình còn nhờ vào thời điểm, những năm đầu 9x thế kỉ trước, khi mà bữa sáng hàng ngày nhà mình là cơm nguội ăn với muối vừng, trộn với đường hoặc sang lắm thì được rang lên với trứng thì chiếc bánh mì kẹp thịt là một thứ gì đó rất cao sang và vô cùng quý giá đối với đứa trẻ nông thôn như mình.
Ngoài món bánh mì thịt mỡ ấy thì còn có món bánh dầy giò và bánh giò. Ấy là thỉnh thoảng mẹ mình đón lúc tan học rồi cho mình vào cửa hàng thuốc của bác mình chơi. Bác mình là dược sĩ, bác có cửa hàng thuốc ở ngay giữa chợ Thị trấn. Lần nào vào cửa hàng, bác cũng mua bánh cho mình ăn. Hồi đó chợ thị trấn huyện to và sầm uất lắm, chợ họp cả ngày và rất nhiều hàng quà bánh chứ không như chợ làng mình chỉ họp một lúc buổi sáng, hàng quán thì lưa thưa.
Cửa hàng thuốc của bác nằm ngay giữa khu vực bán quà bánh và đồ ăn chín như là giò chả, bánh chưng, xôi chè… Mỗi khi mình đến cửa hàng của bác, lí nha lí nhí chào chưa xong câu thì bác đã đứng trong quầy nhoài người qua tủ kính đựng thuốc rồi nghiêng sang trái gọi “cho chị cái bánh giò nhé” hay nghiêng sang phải “cho chị cặp bánh dầy kẹp giò em ơi”
Hồi đó mình thấy bác mình rất xinh. Không phải vì được bác cho ăn mà mình thấy bác xinh đâu vì quả là bác đẹp thật, bác trắng trẻo, nhỏ nhắn, tóc lúc nào cũng búi gọn sau gáy, bác mặc bộ đồ y tế trắng tinh tươm, bàn tay bác sạch sẽ nõn nà với những ngón tay mềm mại, móng tay cắt ngắn hồng hào. Nhiều lần mình phải giấu tay mình ra sau hoặc giả vờ đút túi quần để giấu đi vết mực lem nhem hay móng tay chưa cắt lại còn nhét đất trong kẽ móng nữa chứ. Hồi đó mình hay để móng tay dài để chơi gảy chun. Mình thích ngắm bàn tay của bác, nhất là khi bác bán thuốc. Đầu tiên là bác sẽ lấy 1 lọ thuốc to, đổ vào cái khay đếm thuốc, rồi bác dùng chiếc que bằng kim loại sáng loáng, gạt từng 5 viên một xuống lòng máng nhỏ, khi đếm đủ rồi, bác gập nắp của phần máng đó lại, trút thuốc thừa vào lại lọ to, còn thuốc đã đếm sẽ được cho vào từng túi giấy nhỏ, gấp mép chéo hai bên rồi gập xuống. Cuối cùng là bác sẽ viết hướng dẫn lên trên túi thuốc. Bàn tay bác thoăn thoắt và thuần thục với từng động tác đếm thuốc, chia thuốc, cắt thuốc từ vỉ, gập mép túi rồi cả tiếng bác nhỏ nhẹ nói chuyện với người mua. Mọi thứ toát ra sự chỉn chu, thanh nhã vô cùng.
Trở lại với hai món bánh mà mình hay được bác mua cho ăn.
Đầu tiên phải kể đến là bánh giò. Những chiếc bánh nóng hổi, được giữ trong một cái thúng to, chèn cả một cái chăn xung quanh để giữ nóng. Khi có khách gọi, người bán sẽ mở lớp chăn đậy bên trên sọt bánh, nhấc ra một chiếc bốc hơi nghi ngút. Những chiếc bánh giò hình chóp được gói bằng lá chuối, người bán đặt bánh lên đĩa rồi lấy kéo cắt một vòng ngang vỏ bánh, khi cái chóp vỏ lá được mở ra là làn hơi nóng bốc lên và lộ ra phần bột bánh núng nính. Sau đó thì mình dùng thìa xúc ăn. Bột bánh giò mềm mướt, nửa trong nửa đục, nhân bánh thịt bằm hồng hồng lẫn với mộc nhĩ nâu và hành khô thơm xực. Nước trong nhân tứa ra thấm vào vỏ mang theo vị ngọt của thịt. Từng miếng từng miếng mềm ngọt được con bé ăn chậm thật chậm chỉ vì muốn kéo dài cảm giác được ăn ngon đó lâu thật lâu.
Bánh dầy giò thì lại khác, bánh ăn nguội chứ không ăn nóng. Cặp bánh trắng mịn màng dai dai đậm vị ngọt của gạo nếp nấu xôi kẹp giữa là miếng giò góc tư, nó có hình tam giác cân với cái đáy hơi cong nhuốm màu xanh của lá chuối thôi ra, đỉnh tam giác thì hồng hào và có những lỗ khí nho nhỏ trên mặt, nó có vị ngọt của thịt cùng với cái đậm thơm của nước mắm và mì chính. Vâng, đúng là cái vị nước mắm với mì chính của miếng giò lụa nó khiến mình ghi nhớ sâu sắc.
Vì bác toàn mua cho mình cặp bánh với miếng giò dầy cộp nên mình phải há miệng rất to để cắn. Một lần trong lúc cắn bánh dầy giò thì mình rụng luôn cái răng sữa đã lung lay từ lâu. Mình lén nhè răng ra cầm tay xong tiếp tục ăn bánh dầy như không có chuyện gì xảy ra, vì mình sợ nếu mình khai ra cái răng thì chiếc bánh sẽ bị tịch thu mất. Sau đó mình bỏ răng vào túi quần đợi khi về nhà thì ném lên mái ngói. Bà nội mình dặn răng hàm trên phải vứt xuống gậm giường, răng hàm dưới vứt lên mái nhà thì răng mới mọc lên mới đẹp.
Hồi đó miếng thịt trong bữa ăn đối với mình là rất quý, rất ngon mà chẳng bao giờ mình được ăn thỏa thích. Gia đình mình so với mặt bằng chung thời đó cũng không phải là khó khăn đâu, nhưng từ làng bước ra thị trấn với mình đã là một thế giới khác, thế giới của những món quà bánh hấp dẫn mà hàng ngày mình không có. Thế giới của khu chợ sầm uất đầy màu sắc và âm thanh. Thế giới của cửa hàng thuốc với những chiếc tủ kính cao lên tận nóc chứa đầy hộp và chai lọ, ở đó bác mình là trung tâm. Mỗi tuần, mình chỉ mong đến thứ 4 để được đi học dưới huyện và hôm nào đi học cũng ước được mẹ cho vào cửa hàng của bác chơi. Từ lớp 3 đến lớp 5 mình đều cố gắng để được đi học bồi dưỡng, không phải vì mình ham học mà vì được ăn ngon, dù không phải luôn luôn.
Và trong một buổi chiều ảm đạm đầu đông, những kí ức tuổi thơ ấy lại ùa về khiến mình xúc động. Trong cơn mưa lạnh, dưới bầu trời xám xịt, dù là đi giữa dòng người đông đúc hối hả, nhưng mọi thứ lại nhuốm một vẻ quạnh quẽ, quay quắt khôn nguôi. Chính sự bảng lảng của buổi chiều đông hôm nay đã đưa tâm trí mình trôi đi thật xa, và sự xúc động ấy bám lấy mình từ chiều cho đến giờ, nhắm mắt lại rồi mà những hình ảnh ngày xa xưa vẫn lần lượt lướt ngang trong đầu như một thước phim quay chậm, thế nên mình lại ngồi đây viết những dòng này để ghi lại cảm xúc của ngày hôm nay, rồi thêm 30 năm nữa, nó lại thành kí ức cũ kĩ, và phòng khi mình không còn nhớ, mình có thể đọc lại.
chị Phương học sinh đội tuyển Văn nên quả là lời văn bình dị mà vẫn rất thu hút. Thực sự là miếng ngon nhớ lâu, đa phần chúng ta thưởng thức và nhớ kỹ món ăn do vị ngon lành, và cả bằng kỷ niệm đẹp.
Mong chị đăng nhiều bài ở blog hơn nữa
Nice dayyyy
Chi oi bài viê’t de thuong lă’m, mong chi có thêm nhieu bài giô’ng vay nua nhen chi, giô’ng nhu doc 1 quyen tan văn hay vay 🙂