Post lên không thôi hết mùa mận đến nơi rồi. Các bạn tranh thủ mùa mận thì làm món này nhé. Một quy trình mà cho ra hai sản phẩm vừa ngon vừa đẹp lại ứng dụng được vào nhiều món khác nữa.
Cách làm:

– Mận mua về rửa sạch, khía múi cau.
– Ngâm nước vôi trong một đêm (nếu ngại thì không cần ngâm, nhưng khi đun thì phải nhẹ tay kẻo nát)
– Vớt ra rửa sạch.
– Ngâm đường một đêm. Tỉ lệ đường tùy thuộc vào độ chua ngọt của mận 1kg mận ướp với 0,4-0,6kg đường

– Sau khi ngâm đường thì mận sẽ ra nước.
– Bắc nguyên nồi nước và mận lên bếp đun sôi thì giảm lửa. Khi nào quả mận chuyển trong thì vớt hết ra một cái chảo riêng.

– Phần nước mận còn lại, tiếp tục đun nhỏ lửa cho cạn bớt (mục đích là để cô đặc xi-rô mận giúp bảo quản được lâu)
Xi-rô mận dùng để pha nước uống, mùa hè uống ly nước mận mát lạnh rất đã, vị chua ngọt, màu hồng xinh đẹp nữa chứ. Chỉ việc rót một cốc nước lọc, thêm đá lạnh, rót xi-rô mận vào, quấy đều rồi uống thôi. Rất nhanh gọn.

Ngoài việc dùng để pha nước uống, xi-rô mận còn dùng để tạo màu sắc mùi vị cho các món bánh: làm mousse mận sẽ có màu hồng hồng, vị chua ngọt, hay làm kem, hoặc dùng để pha màu cho kem trét bánh…

– Phần quả mận đem sên nhỏ lửa (có thể thêm gừng đập dập nếu thích làm mận xào gừng) cho tới khi cạn nước hoàn toàn và quả mận tương đối ráo nước.

– Xếp mận ra khay và sấy hoặc phơi nắng.

Bản thân quả mận đã có rất nhiều pectin tự nhiên, nên làm mứt nguyên quả thì dẻo dai, mà làm jam thì đặc quánh, không tách nước. Nên có thể nói tỉ lệ thành công của món mứt mận là 100%

Mời cả nhà cùng uống nước mận…

… và ăn mận xào gừng với mình nhé 🙂

Mình bổ sung thêm một chút, vì có bạn hỏi trong phần coment.
– Nước vôi trong: Bạn dùng vôi tôi – vôi ăn trầu của các bà ấy (có thể mua ở hàng bán trầu cau luôn nhé) cần 10g vôi cho 1 lít nước, nhưng nhiều hơn, ít hơn cũng không sao. Bạn cứ hòa vôi vào nước, rồi để cho lắng, gạn lấy nước trong bên trên rồi ngâm mận thôi. Ngâm nước vôi trong là bước làm gần như áp dụng cho tất cả các loại mứt, hồi Tết mình có viết mấy bài về mứt cũng giải thích khá kĩ rồi, nên lần này mình không ghi lại nữa, nhưng vẫn thấy có bạn hỏi nên mình phải bổ sung,
– Sấy mứt: Có nhiều cách sấy mứt, tùy vào điều kiện cụ thể mà bạn áp dụng.
***Sấy bằng nắng: mùa hè trời nắng to, tận dụng ánh nắng để sấy mứt rất tốt, lại tiết kiệm nữa. Khi sấy – phơi mứt ngoài nắng bạn nên đậy khay mứt bằng 1 tấm vải màn, để khỏi ruồi muỗi nhé.
***Sấy bằng lò nướng: chọn mức nhiệt thấp nhất trong lò của bạn, mở cửa lò, đặt chế độ lửa trên, đặt khay mứt vào rãnh dưới cùng. Mục đích của tất cả các chi tiết trên là để mứt không bị nóng quá mà dẫn tới khô cứng.
***Sấy bằng máy sấy thực phẩm: cách này dễ nhất, cứ xếp vào máy, chọn chế độ sấy rồi để đó chừng nửa ngày là được.
***Sấy bằng tủ lạnh: như bạn biết, bên trong tủ lạnh vừa lạnh vừa khô, chả thế mà rau củ, hoa quả để vào thường héo do mất nước. Vì vậy mà bạn có thể sấy mứt ở đây, cứ để khay mứt hở trong tủ lạnh tầm 1-2 ngày, mứt sẽ mất nước dần và dẻo quẹo. Có điều, khi lấy mứt từ tủ lạnh ra, vì mứt lạnh, nên sẽ “đổ mồ hôi” cái này là do hơi nước trong không khí gặp lạnh thì ngưng tụ trên bề mặt mứt nhé, chứ không phải là mứt tự ướt và chảy nước ra đâu. Nên tốt nhất, sấy lạnh xong thì bạn cất ngay vào túi nilon hoặc lọ kín. Khi đó có lấy ra ngoài thì hơi nước cũng chỉ ngưng tụ trên bề mặt túi hoặc lọ mà không làm ướt mứt.
***Thời gian sấy cũng tùy thuộc vào độ ướt của mứt, cứ khi nào bạn sờ vào miếng mứt thấy ráo tay là được. Bạn nào thích ăn mứt còn ươn ướt thì sấy ít. Bạn nào thích mứt khô thì sấy nhiều. Nên không có khoảng thời gian cụ thể nhé!