Ngày nhỏ, mỗi ngày rằm, mùng một, bà mình đi lễ chùa, mình ở nhà chỉ mong bà về để được "ăn lộc". Lộc lúc nào cũng là 1 cái oản gạo với 1 quả chuối tiêu. Hai chị em chia nhau ăn thấy sao mà ngon thế.

Món này thường xuất hiện trong đình chùa vào những ngày tuần, hay dịp lễ hội. Trong gia đình thì món này thường có vào dịp giỗ chạp. Như họ nhà mình, mỗi năm luân phiên một nhà đóng oản để phục vụ cho ngày giỗ Tổ. …


Ảnh này mình chụp 8 năm trước, ở đình làng mình. Các bà đóng hàng nghìn cái oản để chia lộc cho dân làng và khách thập phương tham gia đám rước. Gạo nếp được dân làng cúng tiến, giờ thì ít người góp gạo mà thường công đức bằng tiền.

Nguyên liệu để làm oản rất đơn giản, chỉ cần gạo nếp ngon, ngâm qua một đêm, vo sạch, xóc chút muối trắng, đem đồ thành xôi là đã sẵn sàng để làm ra những chiếc oản.

Chuẩn bị thêm lá mít, hoặc lá bưởi để lót đế. Mình thích lót bằng lá bưởi hơn vì lá bưởi thơm quện với mùi nếp rất hấp dẫn

Cần thêm một dụng cụ để đóng oản (in oản) đó là cái khuôn mà người ta gọi là lồng oản. Khuôn được tiện bằng gỗ, thường đi kèm 1 chiếc dùi nhỏ cũng bằng gỗ để đâm xôi cho chặt. Nhưng mình làm mất cái dùi nhỏ đó rồi, nên phải thay bằng 1 chiếc thìa

Trong khi chờ xôi chín, đám trẻ con hay được giao ngồi cắt lá thành hình tròn, cắt thêm những hình tròn bằng giấy màu đỏ nữa để dán lên đỉnh những chiếc oản. Khuôn và lá đã sẵn sàng:

Trước khi đóng, khuôn được nhúng vào nước đun sôi để nguội. Xôi nóng được lèn vào khuôn, dùng cái dùi (mình dùng thìa) đâm, lèn cho xôi thật chặt trong khuôn. Dán 1 miếng lá lên rồi úp ngược trở lại. Dùng 1 ngón tay ấn và trôn của khuôn để đẩy oản ra

Mình quên mất không mua giấy màu đỏ để dán đỉnh oản nên dùng tạm lá màu xanh 😀 không giống oản truyền thống lắm

Điều cốt yếu để oản ngon là gạo nếp phải ngon, xôi đồ dẻo, nhồi chặt trong khuôn khi ăn dai dai, đậm vị ngọt của gạo nếp nhai kỹ mà không cần bất cứ gia vị hay hương liệu nào khác. Món này hay được ăn kèm chuối tiêu. Mình thì ăn không cũng thấy ngon rồi 😀