Thời gian gần đây, câu nói mà Mẹ nghe nhiều nhất từ bạn Cún là “Con 5 tuổi rồi…” mặc dù cuối tháng 5 mới đến sinh nhật, nhưng không hiểu ai nói cho nàng biết là nàng sắp tròn 5 tuổi, hơn nữa, lại tự huyễn hoặc rằng 5 tuổi là LỚN rồi, và có quyền làm nhiều thứ.
– Con 5 tuổi rồi, con sẽ đi xe đạp đi học và đến nhà bà ngoại MỘT MÌNH
– Con 5 tuổi rồi, con sẽ giúp đỡ bố mẹ (giúp đỡ như nào thì chưa thấy nói)
– Con 5 tuổi rồi, con sẽ tự lấy ngũ cốc (và đổ tóe hết ra bàn)
– Con 5 tuổi rồi, con sẽ không khóc (chỉ ăn vạ thôi)
Và nhiều nhất là
– Con 5 tuổi rồi, CON MUỐN ĐỤC THỦNG LỖ TAI (ý là xỏ lỗ tai để đeo hoa tai)
Mẹ nói: xỏ lỗ tai sẽ rất đau, đau hơn cả lúc tiêm ý, và phải đau 2 lần cơ.
Nàng bảo: nhưng con sẽ không khóc đâu, nó chỉ hơi đau một tí thôi.
Lần gần đây nhất nàng đi tiêm phòng, nàng đã KHÔNG KHÓC MỘT TÍ NÀO! Nàng chỉ kếu OÁI một cái khi chiếc kim xuyên qua da, làm tất cả các bậc phụ huynh có mặt trong phòng tiêm lúc đó lập tức lấy nàng ra làm tấm gương cho con em mình “Đấy, bạn dũng cảm chưa, tiêm không khóc tí nào!” @@
Về đến nhà thì nàng khoe hết thảy mọi người là nàng đi tiêm không khóc một tí nào, rằng là tiêm CHẲNG ĐAU GÌ CẢ, và đi ĐỤC THỦNG LỖ TAI thì mới đau cơ, nhưng nàng sẽ KHÔNG KHÓC MỘT TÍ NÀO đâu.
Sau nhiều ngày giải thích mà không ăn thua, nàng vẫn nằng nặc đòi xỏ lỗ tai, thêm nữa, mẹ nghĩ con gái cũng nên điệu một chút và xỏ lỗ tai cũng không có gì là xấu thì mẹ gật đầu đồng ý với nàng. Trên đường chở nàng đi đến cửa hàng bấm lỗ tai, mẹ nhắc đi nhắc lại, rằng bấm lỗ tai sẽ đau hơn lúc tiêm. Và một tháng sau đó vẫn chưa đeo được toong teng, và không được sờ tay bẩn vào đó, và đeo khẩu trang phải cẩn thận…bla bla…và hỏi đi hỏi lại nàng rằng: “Con có CHẮC CHẮN muốn bấm lỗ tai không?” Nàng trả lời rất kiên quyết “Con có!”
Cuối cùng thì nàng cũng đã được bấm hai cái nụ (chứ chưa phải hoa) xinh xinh trên tai. Và thật sự là nàng KHÔNG KHÓC MỘT TÍ NÀO thật, thậm chí còn không cả kêu OÁI mặc dù vẻ mặt rất căng thẳng.

Và bỗng nhiên, mẹ thấy…hụt hẫng!
Hụt hẫng vì thấy con ngồi đó, không cần mẹ ôm như lúc đi tiêm,  môi bặm chặt để người ta bấm cái khuyên vào tai. Phải đau chứ, nhưng con đã không khóc, không cầu cứu mẹ, cũng không tỏ ra là muốn mẹ động viên. Mình con tự trải qua việc đó, và mẹ đứng bên cạnh, không hề cảm thấy tự hào vì con đã không khóc, mẹ cảm thấy rằng… con không cần mẹ!
Giả sử con khóc toáng lên, rồi bám chặt vào mẹ, có lẽ mẹ sẽ thấy dễ chịu hơn. Như vậy, mẹ còn thấy rằng con cần mẹ biết bao.
Khi sinh con ra, mẹ đương nhiên có những đặc quyền của người làm mẹ. Mẹ sẽ quyết định hầu hết các việc của con, chịu trách nhiệm mọi điều về con. Và mẹ đã quen với các đặc quyền ấy. Cho đến khi, càng ngày, con càng lớn lên, có ý kiến của riêng con. Còn mẹ, thay vì tự mình quyết định, mẹ phải hỏi ý kiến của con, nếu con bất đồng ý kiến, mẹ phải giải thích.
Trước đây, mẹ quyết định con mặc gì khi đi học, khi đi chơi…còn giờ, con tự chọn quần áo mỗi sáng. Một hôm trời lạnh con mặc cái váy hai dây, mẹ không đồng ý, mẹ đề nghị con thay cái áo dài tay thì con nhất định không chịu. Con chỉ tròng thêm cái áo len mỏng ra ngoài. Và mẹ đành nhượng bộ. Vậy đấy! Rồi sẽ đến ngày, con nghĩ mẹ là “bà già cổ hủ lạc hậu” cho xem.

Có lẽ, người cần chuẩn bị tâm lý là mẹ, vì mẹ luôn biết rằng rồi con sẽ lớn lên, độc lập và không còn bám mẹ như hình với bóng nữa. Nhưng từ việc BIẾT đến CHẤP NHẬN sự thật thì quả là một quãng dài. Có đôi lúc mẹ ước con cứ bé bỏng mãi, đừng lớn lên, để mẹ luôn là cả thế giới của con. Thật là buồn cười phải không.
Giờ mẹ cần phải làm quen với việc con đang lớn, con 5 tuổi rồi và một số ĐẶC QUYỀN của mẹ đang dần bị thu hẹp. Có lẽ, với tất cả những bà mẹ, thì con cái luôn luôn là bé bỏng, luôn cần  che chở bảo vệ. Bởi dù con có ở đâu thì mẹ vẫn luôn dõi theo, luôn dành một chỗ trong tim cho riêng con, luôn dang rộng tay chờ con sà vào. Mẹ sẽ vui niềm vui của con, buồn nỗi buồn của con có khi còn hơn cả con nữa. Nhưng dù yêu con đến đâu, thì mẹ vẫn biết rằng, đến một ngày, mẹ phải để con bước đi bằng đôi chân của chính con, mẹ sẽ phải chứng kiến con phạm sai lầm và trả giá… tất cả những thứ mà ai cũng phải trải qua trong quá trình lớn lên và trưởng thành.
Hãy sống cuộc sống của con thật tốt dù sau này mẹ có “ra rìa” cũng không sao. Miễn là con hạnh phúc, bởi với mẹ, yêu thương con là vô điều kiện.