"Dân đất Tràng An cho rằng ăn còn là thưởng thức, là sự hòa hợp của ngũ giác, là đánh thức cảm quan và tâm hồn. Cũng bởi thế, Bún Thang – một món bún mang âm hưởng của ngũ sắc là món ăn được yêu thích của người Hà Nội.

Có biết bao loại bún, bún chả, bún bung, bún cá, bún mọc, bún ngan, bún đậu, nhưng bún thang là món ăn tinh tế và chế biến cầu kỳ bậc nhất được người Hà Thành xưa sáng tạo.

Bún thang theo nghĩa Hán – Nôm tức món canh bún, nói như vậy để ta thấy rằng nước dùng là phần quan trọng cốt yếu của món ăn. Bún Thang ở đây còn được hiểu như 1 thang thuốc bổ, bởi chỉ cần 1 bát bún cũng có thể làm xua đi cái mệt mỏi trong người."

(Theo báo Dân Việt)

Mình không có khả năng viết hay, nên đã mạo muội coppy một đoạn từ bài báo của báo Dân Việt để giới thiệu cho món ăn của mình: Bún Thang

Nguyên liệu:

Cho 4 phần ăn:

– 1/2 con gà mái tơ (600g)
– 2 quả trứng vịt
– 1 nhúm tôm khô
– 50g củ cải khô
– 100g giò lụa
– Rau dăm, hành lá, mùi tàu
– Vài nhánh hành khô
– 600g bún rối sợi nhỏ

Cách làm:

1. Nấu nước dùng:

– Cho gà vào nồi, đổ nước lạnh ngập gà, thêm 2-3 củ hành khô. Luộc gà cho chín. Khi gà chín, vớt gà ra, xé thịt. Phần xương cho trở lại nồi, ninh lấy nước dùng.

– Tôm khô, nấm hương, ngâm nở, rửa sạch, cho vào nồi xương gà ninh cùng, nêm nếm gia vị cho vừa miệng:

Chú ý: Nước dùng cho bún thang phải trong, vị thanh, nổi vị thơm của tôm. Khi đun phải mở vung, nhỏ lửa và hớt bọt liên tục.

2. Làm nhân thang:

– Thịt gà thái miếng dài và nhỏ, giò lụa thái chỉ

– Tráng trứng thật mỏng, thái sợi. Bí quyết để trứng mỏng đó là: cho dầu ăn vào chảo, cầm chảo xoay nhẹ để dầu ăn láng một lượt chảo, chắt phần dầu thừa ra ngoài. Đánh tan 1 quả trứng với 1 thìa soup nước lã. Một tay rót trứng vào chảo, một tay xoay nghiêng chảo để trứng láng hết mặt chảo thật mỏng:

– Củ cải khô ngâm vào nước lạnh cho mềm, vớt ra, bóp ráo, trộn mắm đường theo tỉ lệ: 1 mắm – 1 đường, vắt vào nửa quả chanh, thỉnh thoảng đảo củ cải cho thấm.
[img]http://farm6.staticflickr.com/5548/9514987393_2303ce8def_o.jpg

3. Trình bày:
Trụng bún qua nước sôi cho nóng và loại bỏ vị chua của bún. Bày bún vào bát, lấy mỗi loại nhân thang, bày xen kẽ cho đẹp. Rắc hành lá, rau răm, mùi tàu thái nhỏ vào. Chan nước dùng.

4. Thưởng thức:
Bún thang khi ăn có thể thêm mắm tôm, chanh/quất, ớt tùy vào khẩu vị của từng người.

Mỗi bát bún thang đều chứa đựng rất nhiều hương vị, nhưng nổi trội nhất là vị ngọt thanh của nước dùng, dậy mùi thơm của tôm. Thịt gà và giò có vị ngọt đậm đà, trứng bùi bùi, củ cải giòn mặn, ngọt. Rất cân bằng về mùi vị cũng như dinh dưỡng. Các thành phần cấu thành đều rất lành nên bún Thang có thể ăn no mà không ấm ách, nặng bụng.

Chúc các bạn nấu được những nồi bún Thang thật ngon nhé!